Phòng chống bệnh truyền nhiễm thời điểm giao mùa

09:54 - Thứ Hai, 21/11/2022 Lượt xem: 6168 In bài viết

ĐBP - Giao mùa thu - đông là thời điểm thích hợp để các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát thành dịch như: Cúm A, B, sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm mới nổi khác. Nếu người dân lơ là, chủ quan không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 36 ca tay chân miệng, 18 ca quai bị, 4.855 ca mắc cúm, 107 ca thủy đậu và 4.200 ca tiêu chảy... Tất cả các trường hợp mắc bệnh liên quan đến dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa đều được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có ca tử vong. Ngoài ra, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 10 ca bệnh sốt xuất huyết, tất cả đều có yếu tố dịch tễ đi từ vùng dịch sốt xuất huyết về, không ghi nhận ca bệnh thứ phát; hiện 10 trường hợp mắc sốt xuất huyết đã được ra viện, sức khỏe bình thường. Bệnh dại, đến thời điểm hiện tại ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại huyện Mường Nhé.

Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời tiết thời điểm giao mùa thu - đông, nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ngày và đêm, nắng mưa thất thường khiến cơ thể con người không kịp thích nghi, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, giao mùa cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển và lây lan trong cộng đồng. Các bệnh thường gặp thời điểm này là: Nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, các bệnh về đường tiêu hóa... Ngoài ra có một số bệnh truyền nhiễm mới (bệnh đậu mùa khỉ, bệnh Adeno vi rút), tuy chưa ghi nhận ca bệnh trên địa bàn, nhưng để chủ động phòng chống dịch bệnh xâm nhập đơn vị đã tham mưu Sở Y tế, UBND tỉnh chỉ đạo về việc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, bệnh do vi rút Adeno; xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh có thể xảy ra. Đồng thời, tổ chức tập huấn về giám sát điều tra dịch tễ, chẩn đoán điều trị, truyền thông về bệnh đậu mùa khỉ; nâng cao năng lực giám sát, kiểm tra hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ; giám sát tại cộng đồng, tại các cơ sở điều trị đặc biệt các trường hợp có yếu tố dịch tễ đi từ vùng dịch đậu mùa khỉ về trong vòng 21 ngày. Ngành Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch Adeno vi rút; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh do Adeno vi rút gây ra. Chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị y tế để sẵn sàng cách ly, điều trị khi có trường hợp bệnh.

Ngoài ra, để tích cực và chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm thời điểm giao mùa thu - đông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cùng với trung tâm y tế các huyện, thị xã, trạm y tế tiếp tục truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống bệnh theo mùa. Vận động người dân ăn, ở hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư an toàn, sạch sẽ.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chăm sóc sức khỏe tốt, khoa học sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh được các bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để chủ động phòng ngừa bệnh, người cao tuổi cần ăn uống hợp lý, khoa học, vận động điều độ; với trẻ nhỏ, phụ huynh cần đảm bảo giữ ấm phù hợp, ăn uống vệ sinh, giữ đồ chơi sạch sẽ, đặc biệt phải tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch.

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top