Tuyên truyền, đưa 10 người dân Pú Xi tiêm phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn

17:32 - Thứ Bảy, 14/01/2023 Lượt xem: 8402 In bài viết

ĐBP - Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, Trạm Y tế xã Pú Xi phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giảng giải, đưa được 10 người dân vùng cao bản Pú Xi 2, xã Pú Xi đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại. 10 người này bị 2 con chó tại bản cắn, trong đó 1 con đã chết, 1 con đã được xác định mắc bệnh dại.

Ông Lương Hậu Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế Tuần Giáo xác nhận: “Ngày 6/1, tại bản Pú Xi 2 có 9 người dân cùng bị 1 con chó cắn. Thấy được nguy cơ, Trạm Y tế xã đã tư vấn, hướng dẫn, vận động các trường hợp đi tiêm phòng bệnh dại nhưng do hiểu biết còn hạn chế và chưa thấy được nguy cơ, người dân không đi. Cán bộ thú y lấy mẫu con chó đi xét nghiệm, đến ngày 12/1 có kết quả con chó bị dại. Ngoài 9 người trên, cùng bản có 1 người dân khác mới bị chó cắn, con chó tự chết không rõ nguyên nhân. Vì thế ngay trong ngày 12/1, Trung tâm Y tế và UBND xã đã vận động và đưa cả 10 người bị chó cắn xuống Trung tâm tiêm vắc xin phòng dại. Đến ngày 13/1, Trung tâm tiếp tục đưa 10 người này đi tiêm huyết thanh kháng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh”.

Được biết trong 10 người trên có 8 trẻ em, trẻ nhỏ nhất sinh năm 2021. Sau khi tiêm, hiện tại sức khoẻ của 10 người dân bản Pú Xi 2 đều bình thường, đã trở về nhà. Các trường hợp này tiếp tục được theo dõi sức khoẻ và vận động tiêm tiếp các mũi nhắc lại 2, 3, 4 đúng thời gian theo bệnh án.

Thời gian gần đây, tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh ta diễn ra phức tạp. Năm 2022, Điện Biên có 3 ca bệnh tử vong do dại. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do lây truyền vi rút dại qua vết cắn, cào, liếm của động vật bị dại trên da tổn thương (thường là chó, mèo), thời gian ủ bệnh 2 - 8 tuần. Người đã mắc bệnh dại gần như tử vong 100%, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Cơ quan chức năng khuyến cáo khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy, vệ sinh vết thương với cồn. Sau đó đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Việc khám và điều trị dự phòng dại thực hiện càng sớm càng tốt sau khi bị cắn.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top