Chủ động phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

09:03 - Thứ Hai, 30/01/2023 Lượt xem: 6885 In bài viết

ĐBP - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý mạn tính của đường hô hấp, bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh tái phát và có xu hướng gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh, do sức đề kháng và chức năng hô hấp giảm sút. Việc phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lý này sẽ giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh phát thuốc cho bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Văn Lương, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: COPD là tình trạng bệnh có rối loạn thông khí tắc nghẽn không có khả năng hồi phục hoàn toàn. Sự cản trở thông khí thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi do các phân tử hoặc khí độc hại. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh COPD là do hút thuốc lá, thuốc lào. Khoảng 15% số người hút thuốc có triệu chứng lâm sàng của COPD; 80 - 90% các bệnh nhân hút thuốc. Ngoài ra, việc tiếp xúc với bụi và hóa chất nghề nghiệp (hơi, chất kích thích, khói...) hoặc nhiễm vi rút, đặc biệt vi rút hợp bào hô hấp có khả năng làm tăng tính phản ứng phế quản, tạo cơ hội cho bệnh phát triển.

COPD ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân qua từng giai đoạn của bệnh. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân thường có ho, khạc đờm, khò khè, tức ngực kéo dài. Sau đó, xuất hiện khó thở, khó thở khi gắng sức, khi thay đổi thời tiết, nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên. Giai đoạn muộn hơn bệnh nhân xuất hiện khó thở khi gắng sức nhẹ, làm việc nhẹ và tần suất bị nhiễm trùng hô hấp cũng tăng lên. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 40 trở lên, người có tiền sử hút thuốc lá hoặc nghề nghiệp tiếp xúc khói bụi, ô nhiễm. Không ít trường hợp bệnh nhân mắc COPD nhập viện ở giai đoạn nặng. Khi đó người bệnh đã bị tình trạng tắc nghẽn đường thở kéo dài, lượng khí hít vào trong phế nang không được đẩy ra hết. Lượng khí tích tụ này ngày càng tăng làm phế nang căng giãn, mỏng dần và dễ vỡ, gây tràn khí màng phổi nguy hiểm đến tính mạng. Về lâu dài COPD làm giảm chất lượng cuộc sống nguy hại hơn là tử vong, tàn phế nếu không được điều trị kịp thời.

Năm 2022, Bệnh viện Phổi tỉnh đã triển khai khám sàng lọc tại 10 xã thuộc 2 huyện Mường Chà, Tuần Giáo cho 1.500 người, qua đó phát hiện và đưa vào quản lý 90 bệnh nhân. Hiện nay, tổng số bệnh nhân COPD được quản lý và điều trị đạt 99,6%, tăng 23,8% so cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ bệnh nhân COPD được phát hiện mới đạt 96%. Ngoài ra, theo kết quả rà soát cho thấy tỷ lệ mắc COPD/dân số là 86,4%, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Bà Lò Thị Xiên, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đang điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: Thời gian gần đây tôi thường xuyên bị ho kéo dài, khó thở, thở khò khè, đôi lúc có cảm giác khó chịu và đau tức ngực nên đã đến bệnh viện để kiểm tra. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận tôi bị mắc COPD. Sau hơn 1 tuần điều trị, sức khỏe của tôi dần ổn định trở lại và có thể xuất viện, lấy thuốc về điều trị tại nhà.

Những bệnh nhân mắc COPD phải đối mặt với các biến chứng làm suy giảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ như bệnh lý tâm phế mạn (suy tim, loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ...). Bệnh COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh từ đó làm chậm sự phát triển bệnh, ngăn ngừa biến chứng.

Để chủ động phòng, chống COPD, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Không hút thuốc lá, tránh khói bụi, môi trường ô nhiễm; giữ ấm cơ thể vào mùa lạnh; rèn luyện sức khỏe, tập các bài thể dục phù hợp với thể trạng, đặc biệt là các bài tập thở đúng cách, tốt cho hệ hô hấp; tiêm phòng cúm và phế cầu ngăn ngừa đợt cấp; đi khám sức khỏe định kỳ, trường hợp có dấu hiệu của bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Người bệnh COPD cần thăm khám định kì, sử dụng thuốc điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top