Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023):

Nỗ lực vì sự hài lòng của bệnh nhân

09:55 - Thứ Ba, 21/02/2023 Lượt xem: 5543 In bài viết

Qua khoảng thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, dù phải đối diện với chất chồng khó khăn nhưng các cơ sở y tế đã nỗ lực từng ngày để nâng cao chất lượng điều trị, thay đổi thái độ phục vụ, góp phần gia tăng sự hài lòng của người bệnh.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, điểm sáng về hoạt động tự chủ tài chính, khám chữa bệnh chất lượng cao. Ảnh: Tạ Hải

Chất lượng là tiên quyết

Sau hành trình chống dịch cam go, đến giờ, khi nhớ lại, nhiều “chiến sĩ áo trắng” vẫn không thể hiểu bằng cách nào mà họ có thể đi qua những tháng ngày chống dịch Covid-19 khốc liệt, đầy những biến cố như vậy. Giữa năm 2021, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại phía nam Tổ quốc, hàng ngàn cán bộ y tế đã viết thư tình nguyện lên đường chống dịch. Có những bác sĩ đã viết đến 3 bức tâm thư tha thiết xin vào Nam chống dịch. Đó là quãng thời gian khó khăn, nhưng nghĩa tình, mà đội ngũ y, bác sĩ không bao giờ quên được.

Trong tâm dịch từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng đến thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đội ngũ y, bác sĩ đã phải đối diện với sự bất tiện hằng ngày, hằng giờ khi trên người là bộ quần áo bảo hộ nóng bức, những chiếc khẩu trang thít chặt để lại những vết hằn mỗi ngày một thêm sâu. Họ cũng đã trải qua những phút giây sợ hãi khi cường độ công việc quá lớn, nguy cơ quá cao, có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào trong khi bệnh nhân nặng cứ ồ ạt được chuyển đến, có những bệnh nhân quá yếu không thể khai thác được thông tin, không có giấy tờ tùy thân, những bệnh nhân thoi thóp thở khi tuổi đời còn quá trẻ. Nỗi ám ảnh khó quên khi phải tự tay chụp ảnh khuôn mặt của bệnh nhân không qua khỏi để làm giấy báo tử... Còn rất nhiều áp lực khác khiến các “chiến binh áo trắng” đã ngã xuống, không ít người rơi vào trạng thái trầm cảm, kiệt quệ cả về tinh thần và thể chất. Tuy vậy, sau tất cả, mỗi y, bác sĩ vẫn luôn nỗ lực để trả về cho cuộc sống muôn màu bức tranh hoàn chỉnh, sinh động.

Và hôm nay, khi cuộc sống tạm trở về bình yên, công việc của các nhân viên y tế dù bớt nhọc nhằn nhưng còn đó nhiều âu lo. Họ phải làm việc trong bối cảnh còn khó khăn, thiếu thốn, mỗi ngày phải nỗ lực để nâng chất lượng phục vụ, làm hài lòng bệnh nhân. Theo lời Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ chuyên khoa II Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, thời gian qua, Bệnh viện đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới như phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng; phẫu thuật thay khớp háng bán phần; lọc máu liên tục cấp cứu cho người bệnh sốc nhiễm khuẩn; lọc máu liên tục cấp cứu cho người bệnh suy đa tạng...

Bên cạnh đó, các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới cũng được triển khai và phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn điều trị bệnh, mang đến ngày càng nhiều niềm vui cho bệnh nhân như: Triển khai thành công điều trị tiêm xơ dị dạng tĩnh mạch đầu mặt cổ, tiêm xơ điều trị u bạch mạch vùng hàm mặt, cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn điều trị các rối loạn nhịp chậm, nội soi can thiệp gắp giun, dị vật ống tiêu hóa, phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới nhân tạo trước phúc mạc đường vào qua ổ bụng (TAPP), thay khớp gối... Đặc biệt, Bệnh viện đã ký hợp tác với Học viện Quân y, Học viện Y học cổ truyền Việt Nam..., với Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản... nhằm nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cũng theo Giám đốc Đào Thiện Tiến, thời gian tới, Bệnh viện sẽ từng bước hoàn thiện, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh với tôn chỉ “Sự hài lòng của người bệnh là uy tín của chúng tôi”. Bệnh viện sẽ tiếp tục xây dựng danh mục, quy trình kỹ thuật mới trình Sở Y tế phê duyệt bổ sung để đưa vào triển khai các kỹ thuật mới...

Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, theo Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện, nhiều năm qua cơ sở đã tích cực phát triển các kỹ thuật chuyên sâu như hỗ trợ sinh sản và nam học; chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sau sinh; y học bào thai, dự phòng, sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư phụ khoa; ứng dụng giảm đau trong phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa; phẫu thuật nội soi; điều trị chăm sóc sơ sinh non tháng; tế bào gốc; di truyền từ phân tử đến tế bào nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân Thủ đô và các vùng lân cận.

Hiện tại, mỗi năm Bệnh viện đã thực hiện trên 30.000 ca sàng lọc, hội chẩn điều trị sớm trẻ sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam. Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, công tác nghiên cứu khoa học luôn được cơ sở đặt ra. Cụ thể, hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Thành phố và nhiều công trình nghiên cứu hằng năm đã được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, được ứng dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng điều trị, thay đổi thái độ phục vụ, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhân dân.

Hai trường hợp nêu trên là minh chứng cho nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của khối bệnh viện công nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là nhiệm vụ sống còn

Bức tranh ngành Y cho thấy, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh được xác định là nhiệm vụ sống còn đối với sự phát triển của bệnh viện. Cũng chính vì thế mà từ nhiều năm qua, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh hết sức quan tâm tới vấn đề cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh bằng cách triển khai đầy đủ, nghiêm túc các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về quản lý chất lượng; hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng tại đơn vị mình như phòng, tổ quản lý chất lượng; nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng; tăng cường đào tạo, tập huấn về quản lý chất lượng; huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác cải tiến chất lượng.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, chia sẻ, khi thực hiện bộ tiêu chí liên quan tới sự hài lòng của bệnh nhân mà Bộ Y tế đưa ra, nhiều ý kiến góp ý đã được chuyển tới giám đốc của các bệnh viện để kịp thời bổ sung. Đích đến của việc cải tiến chất lượng là sự hài lòng của người bệnh, do vậy, các bệnh viện cần triển khai khảo sát về sự hài lòng của người bệnh với tinh thần thực sự cầu thị.

Đặc biệt, để khuyến khích cũng như thúc đẩy cải tiến chất lượng bệnh viện, năm 2023, Bộ Y tế sẽ triển khai Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện, cùng với đó là các giải thưởng chuyên đề về an toàn người bệnh, an toàn phẫu thuật, chất lượng lâm sàng, chất lượng xét nghiệm, công tác dược bệnh viện, dinh dưỡng lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phát triển nguồn nhân lực y tế, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện và giải thưởng về đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Hoạt động này được đánh giá là phù hợp với xu thế quốc tế. Nhiều tổ chức thẩm định chất lượng bệnh viện như JCI (Mỹ), ACHS (Australia)... đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn, sau đó thẩm định, cấp chứng nhận cho những bệnh viện đạt yêu cầu về chất lượng.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng việc giảm quá tải bệnh viện, tăng cường khám, chữa bệnh từ xa, thực hiện Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn nhằm triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; sớm đưa luật này vào thực hiện trong cuộc sống bằng cách ban hành các hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho việc xây dựng giá viện phí; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước; xây dựng và hoàn thiện đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công...; xây dựng các phong trào thi đua cải tiến chất lượng, thiết lập các diễn đàn về chất lượng để trao đổi, học tập kinh nghiệm...

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top