Lặng thầm chăm sóc sức khỏe nhân dân

08:29 - Thứ Hai, 27/02/2023 Lượt xem: 5150 In bài viết

ĐBP - Nghề y vốn đã là nghề vất vả song cán bộ y tế cơ sở càng vất vả hơn. Dẫu vậy, bằng tinh thần trách nhiệm, tình yêu với nghề, họ vẫn miệt mài bám trụ, không kể đêm ngày chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...

Cô đỡ thôn bản Lò Thị Nhung, xã Na Sang (huyện Mường Chà) hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc thai nhi.

Hơn 10 năm qua, cô đỡ thôn bản Thào Thị Sú, ở xã Hừa Ngài (huyện Mường Chà) đã đi tận ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thậm chí, nhiều lần cô đỡ thôn bản Thào Thị Sú đã cùng cán bộ trạm y tế đỡ đẻ tại nhà khi cần thiết. Công việc dù vất vả nhưng với tình yêu nghề, sự ủng hộ, đồng hành từ phía gia đình nên dù thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng chị Sú luôn bám trụ với công việc đã chọn. Chị Sú tâm sự: Xã Hừa Ngài có 8 bản, nhưng nhiều bản cách xa trạm y tế. Chính vì thế để người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế là rất khó, nhất là khi việc sinh nở của các bà mẹ cần phải kịp thời không thì rất nguy hiểm. Thấu hiểu, đồng cảm với bà con nơi đây, mình sẵn sàng vượt lên mọi khó khăn giúp đỡ mọi người. Chỉ mong mọi người nâng cao được nhận thức, hiểu biết về sức khỏe sinh sản rồi chăm sóc sức khỏe cho bản thân tốt hơn. 

Theo chị Sú, việc tuyên truyền để các bà mẹ nâng cao hiểu biết về sức khỏe sinh sản, thực hiện sinh con tại các cơ sở y tế, cũng như quan tâm tiêm phòng vắc xin cho trẻ đầy đủ… không phải ngày một ngày hai là xong, mà phải làm thường xuyên, liên tục. Và với đặc thù của xã vùng cao, địa hình đồi núi nhiều, việc di chuyển để thực hiện nhiệm vụ này hết sức khó khăn. Nhiều nơi xe máy không đến được phải đi bộ vài giờ mới tới. Bởi vậy, nếu không yêu nghề thì không thể gắn bó với nghề tận đến hôm nay.

Cũng có hơn 10 năm làm nhiệm vụ cô đỡ thôn bản, chị Lò Thị Nhung, bản Hin 1, xã Na Sang (huyện Mường Chà) đã giúp đỡ rất nhiều gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, vận động tiêm chủng, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình... Công việc dẫu có gian nan, nhưng niềm vui của chị Nhung là những kỷ niệm sau mỗi lần giúp đỡ các thai phụ “mẹ tròn, con vuông”. Chị Nhung chia sẻ: “Đối với tôi, việc làm cô đỡ thôn bản là quyết định đúng đắn, vì nó đã đem đến cho tôi nhiều niềm vui và hạnh phúc. Mỗi lần đến tuyên truyền, thăm khám cho thai phụ tôi cũng rất lo lắng, nhưng niềm vui, hạnh phúc lại ngập tràn khi đỡ đẻ thành công cho một ai đó. Mỗi cháu bé chào đời “mẹ tròn, con vuông” là động lực để tôi quên đi những vất vả, nhọc nhằn và thêm gắn bó hơn với nghề”.

Anh Nguyễn Văn Nam, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) cũng là người tận tụy với công việc. Công tác ở địa bàn vùng cao biên giới với biết bao khó khăn, vất vả nhưng nhiều năm qua, chưa một anh lần có ý định rời vị trí mình đang làm. Anh Nam cho biết, xã Sín Thầu hiện có trên 300 hộ, gần 1.500 nhân khẩu, sinh sống tại 7 bản với trên 91% dân số là dân tộc Hà Nhì. Những năm qua, để công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân đạt hiệu quả, bản thân anh cũng như cán bộ trạm không ngừng cố gắng, nỗ lực, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bám làng, bám bản giúp đỡ bà con mỗi khi trái gió trở trời. Hàng năm, anh và đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, như: Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em; phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết; phòng chống bệnh lao, bướu cổ; phòng chống HIV/AIDS, các bệnh không lây nhiễm, công tác phòng chống suy dinh dưỡng, dân số - kế hoạch hóa gia đình... Anh Nam chia sẻ: Công tác ở vùng cao vất vả nhưng được bà con tin yêu, quý mến thì dù khó khăn đến mấy cũng vượt qua.

Cùng với việc làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, mấy năm gần đây, trước sự bùng phát của dịch Covid-19, anh Nam đã lãnh đạo đơn vị, chủ động thực hiện các hoạt động y tế dự phòng, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch; phối hợp cùng địa phương, các đoàn thể vào cuộc tích cực, nhằm theo dõi, giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý kịp thời các ổ dịch ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh lây lan. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đến từng bản, vào tận hộ dân để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cách phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức cho các gia đình ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Qua công tác tuyên truyền, nhân dân đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật nói chung cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh nói riêng.

Không riêng gì chị Sú, anh Nam, có lẽ đối với nhiều cán bộ y tế đang công tác ở vùng cao, họ luôn mang trong mình sự nhiệt huyết cũng như tinh thần trách nhiệm. Theo thống kê của ngành Y tế, toàn ngành hiện có hơn 3.800 người; trong đó phần lớn cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế đang trực tiếp làm việc ở tuyến cơ sở. Phát huy truyền thống cao đẹp của ngành “chữa bệnh cứu người”, dù ở bất cứ vị trí nào, dù khó khăn, vất vả đến mấy, bất kể ngày hay đêm, trong hoàn cảnh nào, mỗi cán bộ y tế luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt 12 điều y đức, hướng đến sự hài lòng của người bệnh; nỗ lực vì sức khỏe của nhân dân, từ đó tạo dựng niềm tin, sự kính trọng từ nhân dân.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top