Không chủ quan với bệnh dại

17:30 - Thứ Ba, 28/02/2023 Lượt xem: 8225 In bài viết

ĐBP - Từ năm 2022 đến nay, bệnh dại xảy ra tại một số địa bàn trong tỉnh, đã có trường hợp tử vong do bệnh dại. Mặc dù bệnh dại có nguy cơ diễn biến phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không kịp thời phòng ngừa nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan khi bị chó, mèo cắn không đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng. Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng nuôi chó, mèo thả rông còn diễn ra phổ biến, một số nơi tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó chưa cao.

Cán bộ thú y huyện Mường Nhé tiêm phòng dại cho đàn chó trên địa bàn.

Trường hợp ông Vừ Nỏ Chứ (SN 1959, trú tại bản Nậm Pố 1, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) tử vong do bệnh dại là sự việc đau lòng do chủ quan, không đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời khi bị chó mắc dại cắn. Theo đó, ngày 30/9/2022, ông Chứ bị chó cắn vào lòng bàn tay bên phải. Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không xử lý vết thương, không đến cơ sở y tế điều trị. Trong khi đó, con chó cắn bệnh nhân cũng chưa được tiêm phòng vắc xin dại hay bất kỳ loại vắc xin nào. Những ngày sau đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, sợ gió, nước và đau mỏi khắp người. Đến ngày 2/10, thấy không đỡ bệnh nhân mới được đưa đến cơ sở y tế, tuy nhiên do quá muộn nên đã tử vong.

Mới đây nhất, ngày 17/2/2023, trên địa bàn xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông có 1 trường hợp tử vong do nghi bệnh dại lên cơn. Qua điều tra, xác minh của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên Đông, bệnh nhân trước đó khoảng gần 3 tháng đã bị chó cắn nhưng không xử lý vết thương, không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng. Con chó sau khi cắn nạn nhân và 1 người khác (đã được cơ quan y tế vận động đi tiêm kháng huyết thanh và vắc xin dại) đã bị chủ nhà đánh chết. Những ngày sau đó, nạn nhân có biểu hiện sốt, co giật, tiết nước bọt, mệt mỏi, không ngủ được, tăng kích thích dẫn đến tử vong.

May mắn hơn 2 trường hợp trên, đầu năm 2023 tại bản Pú Xi 2, xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) có 10 người bị 2 con chó trong bản cắn (1 con đã chết, 1 con ngay sau đó được xác định mắc bệnh dại). Sau khi nhận thông tin, Trạm Y tế xã Pú Xi đã tư vấn, hướng dẫn, vận động các trường hợp đi tiêm phòng bệnh dại. Song do hiểu biết hạn chế và chưa thấy được nguy cơ, người dân không hợp tác. Cán bộ thú y đã lấy mẫu con chó đầu tiên đi xét nghiệm và có kết quả xác định chó bị mắc bệnh dại. Sau khi có kết quả, ngay trong ngày Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, UBND xã đã vận động và đưa cả 10 người bị chó cắn đi tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại. Đến nay sức khỏe những người bị chó cắn vẫn ổn định.

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dại trên địa bàn, Chi cục Thú y tỉnh đã tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo công tác tiêm phòng vắc xin dại cho toàn bộ đàn chó, mèo trong toàn tỉnh. Đồng thời phát 330 tờ rơi, áp phích phòng chống bệnh dại cho các huyện, thị xã, thành phố để tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, khi địa bàn nào xuất hiện ổ dịch dại, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng tổ chức các biện pháp phòng chống như: Lấy mẫu xác định nguyên nhân gây bệnh; điều tra tổng đàn nguy cơ; tiêu hủy động vật mắc bệnh; vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Theo nhận định của Chi cục Thú ý tỉnh, thời gian tới nguy cơ dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh có khả năng gia tăng và gây tử vong cho người bị chó, mèo cắn là rất cao. Nguyên nhân do mầm bệnh dại đã lưu hành ở một số địa phương; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo nuôi trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ rất thấp; bên cạnh đó là tâm lý chủ quan trong phòng chống bệnh dại. Đặc biệt, công tác quản lý nuôi chó trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố còn buông lỏng (tình trạng chó nuôi thả rông, không rọ mõm rất phổ biến); nhận thức của nhiều người còn hạn chế, vẫn chủ quan khi bị chó, mèo cào, cắn không đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng. Nhiều hộ dân vẫn cố tình giấu giếm, không khai báo, không đưa chó, mèo đi tiêm phòng dại theo quy định. Trong khi đó, hầu hết các địa phương chưa thống kê chi tiết danh sách đàn chó nuôi cũng gây khó khăn cho việc quản lý, tiêm phòng...

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh dại, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 2/11/2022 của UBND tỉnh Điện Biên về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh, các địa phương, cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, đôn đốc, chỉ đạo triển khai tiêm phòng vắc xin dại, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại triệt để cho toàn bộ đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền cho người dân chấp hành việc tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo và quy định về phòng, chống bệnh dại; phổ biến Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y để Nhân dân nắm và thực hiện có hiệu quả.

Cùng với nỗ lực của cơ quan chuyên môn, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi là chó, mèo theo quy định; đăng ký, xích nhốt, không thả rông và đeo rọ mõm cho chó khi ra đường. Nếu trường hợp không may bị chó, mèo cắn, cào… phải đến ngay các cơ sở y tế để được tiêm phòng đầy đủ; đồng thời thông tin cho cơ quan thú y địa phương để giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không tự chữa bệnh, để phát sinh ổ dịch dại trong cộng đồng.

Bài ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top