Trong 2 ngày liên tiếp (3-4/3), Chính phủ ban hành 2 văn bản quan trọng: Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/2023/NQ-CP, đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thiếu vật tư, trang thiết bị y tế đang cấp bách hiện nay. Các bệnh viện lớn như: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy cho biết, đây là hướng mở rất lớn cho bệnh viện để thực hiện khám, chữa bệnh cho người dân.
Sau hơn 1 tuần hạn chế mổ phiên do thiếu vật tư, Bệnh viện Việt Đức sẽ trở lại hoạt động bình thường sau 1 tuần nữa. Để nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân, các bệnh viện đề xuất sớm ban hành các thông tư hướng dẫn để thực hiện.
Máy móc sẽ hết cảnh “đắp chiếu”
Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt nhưng trong một thời gian dài thiếu máy móc trầm trọng. Theo lãnh đạo bệnh viện thì để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, bệnh viện cần 7-8 máy chụp cắt lớp (CT) và cộng hưởng từ (MRI). Với số máy hiện nay (1 máy CT và 1 máy MRI), người bệnh đến khám phải hẹn 5-6 ngày mới tới lượt chụp. Thậm chí Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của bệnh viện máy móc không có, bệnh nhân xạ trị, chụp chiếu đều phải gửi sang viện khác.
Người bệnh mong ngóng sớm giải quyết tình trạng thiếu vật tư y tế, để đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh.
10 năm qua, tại Bệnh viện Bạch Mai hầu hết thiết bị chẩn đoán hình ảnh có được là do cơ chế liên doanh, liên kết. Nghị quyết 30/NQ-CP cho phép các máy móc đã hết hạn hợp đồng, nhưng vẫn còn sử dụng được, chưa cần phải thực hiện thủ tục làm sở hữu toàn dân, sẽ được xem xét đưa vào sử dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh và BHYT vẫn thanh toán. “Đây là cởi trói lớn cho Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế khác có thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân”, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
PGS. TS Đào Xuân Cơ cho biết, Nghị định 07/NĐ-CP thay cho Nghị định 98/NQ-CP tháo gỡ khó khăn trước đây trong nhập khẩu thuốc, vật tư, hóa chất thiết bị, giúp cho các thủ tục nhập khẩu qua hải quan thuận lợi hơn trước. Còn Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngay sau đó cũng tháo gỡ nhiều cho vấn đề đấu thầu mua sắm, sử dụng thuốc, vật tư, hóa chất cho các cơ sở y tế. Nghị quyết đã giải quyết được vấn đề sau khi nhà thầu trúng thầu hóa chất vật tư có trách nhiệm cung cấp máy móc thiết bị thực hiện kỹ thuật xét nghiệm tại bệnh viện và BHYT có trách nhiệm thanh toán cho người dân.
Một vấn đề quan trọng về mua sắm đấu thầu đã được sửa đổi trong Nghị quyết 30/NQ-CP là cho phép các cơ sở y tế khi thực hiện đấu thầu không phải làm các thủ tục lấy "3 báo giá" như trước đây. “Trước đây, hơn một nửa trong số 2.000 mặt hàng hóa chất vật tư tại Bệnh viện Bạch Mai chào hàng sau 2 lần chỉ có 30% đủ 3 báo giá, còn 2/3 mặt hàng không đủ báo giá nên không thể tiến hành thầu. Nghị quyết mới có những sửa đổi triệt để, tạo điều kiện cho các bệnh viện mua sắm vật tư hóa chất thuận lợi hơn. Đặc biệt Nghị quyết cho phép thiết bị, máy móc đặc chủng hoặc máy móc lần đầu tiên được chào bán ở Việt Nam chỉ cần có 1 báo giá cũng có thể mua sắm được. Với các bệnh viện đầu ngành như Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên phải cập nhật kiến thức, kỹ thuật tiên tiến thế giới, mua sắm thiết bị tiên tiến. Nếu chúng ta chờ quy định phải đủ 3 báo giá thì chắc không bao giờ mua được trang thiết bị mới”, ông Cơ bày tỏ.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay có nhiều máy hỏng, nhưng vì vướng 3 báo giá mà chưa sửa chữa được, nay có nghị quyết mới, vấn đề này sẽ được giải quyết. Không còn cảnh người bệnh đến viện phải quay về vì máy hỏng.
Đặc biệt, Nghị quyết 30/NQ-CP ghi rõ cho phép thiết bị còn khả năng sử dụng tốt, nhưng chỉ hỏng linh kiện A, B thì cơ sở y tế có thể trực tiếp mua để thay lắp, đưa máy đi vào hoạt động phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Điều này đã giúp các bệnh viện tháo gỡ nhiều vấn đề đang vướng. “Chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào rà soát các trang thiết bị, chất lượng máy móc sau dừng hoạt động phải khắc phục, sửa chữa như thế nào, để thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế theo đúng quy định mới”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.
Người bệnh mong ngóng
Từ 1/3, Bệnh viện Việt Đức hạn chế mổ phiên do cạn kiệt vật tư, hoá chất đã khiến hàng trăm bệnh nhân và người nhà lo lắng, không biết chờ đợi đến khi nào được mổ. Do thiếu trầm trọng vật tư, bệnh viện chỉ ưu tiên mổ cấp cứu, ca bệnh nặng. Nhiều bác sĩ đau xót khi bệnh nhân phải hoãn mổ, lịch mổ đã sắp từ trước phải giảm một nửa, phải thông báo hoãn tới bệnh nhân. Theo Giám đốc Bệnh viện Việt Đức – GS.TS Trần Bình Giang, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30, bệnh viện đã liên hệ với các đơn vị cung ứng để có vật tư, hoá chất trong thời gian sớm nhất phục vụ người bệnh. Trong vòng một tuần nữa, các nhà phân phối hứa sẽ có đầy đủ vật tư, hoá chất. Vì thế, bệnh viện sẽ hoạt động lại bình thường từ tuần sau.
Như vậy, ngay khi có vật tư, hoá chất, Bệnh viện Việt Đức sẽ tiếp tục mổ phiên bình thường. GS. TS Trần Bình Giang cho biết, Nghị quyết 30 của Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong việc mua, đấu thầu vật tư, hoá chất cho bệnh viện.
Tương tự, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiến hành liên hệ các nhà cung cấp để đấu thầu, mua sắm vật tư, hoá chất, phục vụ công tác mổ, điều trị cho người bệnh. Nghị quyết mới đã giải quyết được những vướng mắc cho máy xã hội hoá, vì vậy bệnh viện sẽ bắt tay vào thực hiện.
Tuy nhiên, để Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đi vào cuộc sống, khẩn trương giải quyết việc thiếu vật tư, thiết bị y tế đang rất cấp bách hiện nay, về lâu dài, các bộ, ban, ngành cần xây dựng văn bản pháp quy có tính chất căn cơ trong công tác mua sắm đấu thầu, sửa đổi các thông tư, nghị định cũ, xây mới quy định về đấu thầu. Về phía ngành Y tế, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy thuận lợi cho mua sắm mang tính chất chuyên ngành chứ không áp dụng mua sắm thuốc, hóa chất vật tư, thiết bị như mua sắm hàng hóa thông thường.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, cùng với việc ban hành Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan sớm ban hành Thông tư, Nghị định về vấn đề quản lý mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị một cách căn cơ mới giải quyết về lâu dài tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất. Điều này giúp các bệnh viện có hành lang pháp lý chuẩn để mua sắm trang thiết bị vật tư, quản lý đấu thầu một cách công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.
“Bệnh viện Bạch Mai luôn ý thức việc tháo gỡ của Chính phủ không có nghĩa chỉ giúp cho bệnh viện mà đồng thời còn yêu cầu các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình trong bảo đảm chất lượng, số lượng của hàng cung cấp tới cơ sở y tế và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ sở y tế không được phép lợi dụng việc tháo gỡ này để trục lợi cho cá nhân và tập thể. Chúng tôi kiên quyết bám quy định của của pháp luật để thực hiện mua sắm, đấu thầu vật tư”, ông Cơ nói.