Phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ

09:51 - Thứ Hai, 20/03/2023 Lượt xem: 5929 In bài viết

ĐBP - Viêm tai giữa cấp là viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc tai giữa, là một bệnh thường gặp ở trẻ em, do vi rút hoặc vi khuẩn xâm nhập vào khoảng trống phía sau màng nhĩ gây nên. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất ở trẻ dưới 3 tuổi do trẻ nhỏ vòi tai ngắn hơn, rộng hơn, nằm ngang hơn so với người lớn, vì vậy các chất xuất tiết và vi khuẩn ở vùng mũi họng có thể vào tai giữa và gây viêm; trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng yếu, trẻ không được bú sữa mẹ hoặc trẻ bị viêm mũi họng, viêm VA hay nôn trớ, dịch dạ dày và các chất tiết ở mũi họng trào vào tai giữa qua vòi nhĩ dễ gây nên viêm tai giữa cấp. Hoặc có thể do thời tiết thay đổi đột ngột, mưa ẩm, khói thuốc lá, thuốc lào, bụi bẩn; trẻ mới đi học mẫu giáo, có cơ địa dị ứng, sinh non, hen, viêm da cơ địa cũng dễ bị viêm tai giữa.

Trẻ em điều trị bệnh tại Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên).

Bác sĩ Lò Thị Tranh, Trưởng khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) cho biết: Thông thường trẻ có triệu chứng chủ yếu là viêm mũi họng như sốt, đau rát họng, chảy mũi, ngạt mũi, ho… sau đó có thể đau tai, ù tai khi nội soi thấy màng nhĩ xung huyết. Đau tai, rứt tai là triệu chứng phổ biến nhất, đau có thể theo nhịp mạch, có thể lan ra vùng thái dương, đau nhiều làm bệnh nhân không ngủ được. Sốt cao trên 390C, quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, co giật. Nếu là trẻ lớn sẽ kêu đau tai, trẻ nhỏ chỉ biết lắc đầu, lấy tay dụi vào tai. Chảy dịch mủ tai, sau khi có chảy dịch mủ tai trẻ thường đỡ đau, đỡ sốt. Ở trẻ sơ sinh có biểu hiện triệu chứng toàn thân như li bì, bứt rứt, ngủ không yên, ăn kém, nôn và tiêu chảy.

Nếu được phát hiện sớm, điều trị thích hợp trẻ sẽ khỏi trong vòng 2 tuần, màng tai liền tốt, không để lại di chứng. Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (chậm nói, nói không rõ âm từ, nói ngọng...) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp sau này của trẻ. Bệnh có thể bị tái đi, tái lại nhiều lần dẫn tới viêm tai giữa mạn tính, không điều trị triệt để sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như viêm não, viêm màng não...

Viêm tai giữa cấp ở trẻ dễ tái lại nhưng có thể phòng ngừa được. Để phòng bệnh viêm tai giữa hiệu quả cho trẻ, bác sĩ Tranh khuyến cáo cha mẹ cần chú ý vệ sinh mũi họng đúng cách, không lạm dụng nước muối sinh lý bơm rửa mũi vì rất dễ đẩy dịch ở mũi vào tai gây viêm; tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn dinh dưỡng, khoa học; luôn giữa vệ sinh tay sạch cho trẻ, hướng dẫn trẻ không cho tay lên mắt - mũi - miệng, hạn chế tiếp xúc gần với người đang bị bệnh hô hấp; luôn giữ vệ sinh môi trường của nhà ở, tránh ẩm mốc, khói thuốc lá... Giữ ấm mũi,  họng cho trẻ trong thời tiết giao mùa; tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, kịp thời. Khi trẻ có những biểu hiện bất thường ở tai, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám, để bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và đưa ra hướng xử trí phù hợp.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top