Nỗ lực đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

09:09 - Thứ Năm, 06/04/2023 Lượt xem: 6741 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời triển khai nhiều mô hình nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT). Tuy nhiên, tảo hôn và HNCHT vẫn diễn ra khá phổ biến, tại địa bàn vùng cao.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT tại bản Tìa Ghếnh A, xã Keo Lôm.

Năm 2015, tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2015 - 2020”. Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện đề án, từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh có 4.965 cặp tảo hôn (chiếm 26,2% tổng số cặp vợ chồng kết hôn), HNCHT là 26 cặp (chiếm 0,13%). Tình trạng tảo hôn và HNCHT diễn ra chủ yếu ở dân tộc Mông; lứa tuổi phổ biến từ 15 - 17 tuổi đối với nữ, 16 - 19 tuổi đối với nam.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và HNCHT là do những quan niệm, thành kiến, hủ tục đã ăn sâu trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số từ nhiều đời nay; đời sống người dân quá khó khăn, các gia đình không có điều kiện cho con đi học nên để con lập gia đình sớm, có thêm người lao động. Cùng với đó, sự can thiệp thiếu mạnh mẽ, thiếu kiên quyết từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, HNCHT...

Tảo hôn và HNCHT dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái giống nòi, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Việc kết hôn, sinh con sớm trong độ tuổi vị thành niên gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi. Hôn nhận cận huyết còn gây ra những hậu quả nặng nề do trẻ sinh ra mắc những căn bệnh như: Dị tật, tan máu bẩm sinh… đã xảy ra ở những cặp vợ chồng kết hôn cận huyết trên địa bàn các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo và Điện Biên Đông.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 64 hội nghị tuyên truyền tại 64 xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của 10/10 huyện, thị xã, thành phố; thành lập 59 câu lạc bộ truyền thông sức khỏe tại 59 xã thuộc các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và TX. Mường Lay với trên 5.200 lượt người tham gia. Ngành Y tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng tích cực tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề về tảo hôn và HNCHT tại các xã vùng cao. Nhiều địa phương đã thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ tuyên truyền về tảo hôn và HNCHT như: “Phòng, chống tảo hôn và HNCHT”; “Tiền hôn nhân”; “Phụ nữ sinh con một bề không sinh con thứ 3 trở lên”; “Gia đình hạnh phúc”; “Phòng chống bạo lực gia đình”...

Cứ mỗi đợt nghỉ hè hoặc nghỉ tết Nguyên đán, xã vùng cao Rạng Đông (huyện Tuần Giáo) lại có thêm một vài nữ sinh lứa tuổi từ 14 -16 tuổi nghỉ học ở nhà lấy chồng. Đến nay, tại xã Rạng Đông có 6/7 bản (trừ bản Rạng Đông) có trường hợp tảo hôn. Nhiều nhất là bản Nậm Mu, đến hết năm 2022 cả bản có 8 trường hợp tảo hôn.

Bà Cà Thị Sẹn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Rạng Đông cho biết: Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn ngày có xu hướng tăng, một số cháu mới 14 - 15 tuổi đã bỏ học ở nhà lấy chồng. Nguyên nhân chính là do những hủ tục đã tồn tại từ lâu đời. Mặt khác, hiện nay nhiều học sinh sử dụng điện thoại thông minh. Các cháu nhắn tin làm quen, tán tỉnh nhau qua điện thoại, qua mạng, rồi đi quá giới hạn, mang thai khi còn ít tuổi, cơ thể và nhận thức đều chưa phát triển đầy đủ. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn ở vùng cao rất khó khăn. Cách làm trước mắt là chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội của xã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về mặt pháp luật và xã hội để các cháu có ý thức và cách phòng tránh an toàn. Đồng thời, tuyên truyền để các bậc phụ huynh dần bỏ hủ tục, không cho con cái kết hôn trước độ tuổi theo quy định của pháp luật. Về lâu dài, cấp ủy, chính quyền các cấp phải giải quyết được việc làm cho người dân, có thu nhập ổn định, đời sống bớt khó khăn thì tình trạng tảo hôn sẽ được đẩy lùi.

Điện Biên Đông là huyện có tỷ lệ tảo hôn cao nhất tỉnh. Theo thống kê của UBND huyện, từ năm 2018 đến tháng 9/2022, toàn huyện có 2.756 trường hợp kết hôn; trong đó tảo hôn 838 trường hợp, hôn nhân cận huyết 6 trường hợp.

Ông Trần Đình Trọng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng Dân tộc đã chủ trì, phối hợp tổ chức 40 buổi tuyên truyền với hàng nghìn lượt người tham gia về giảm thiểu tảo hôn và HNCHT. Đối tượng tuyên truyền tập trung vào học sinh các trường THCS, THPT và người dân các xã vùng cao. Cuối năm 2022, UBND huyện tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và HNCHT với 105 học sinh của 15 trường THCS và tiểu học trên địa bàn. Quyết liệt đẩy lùi tình trạng tảo hôn, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động, huyện Điện Biên Đông phát huy vai trò tiên phong của đảng viên, cán bộ xã. Từ năm 2018 đến nay, Huyện ủy đã áp dụng các hình thức kỷ luật đối với những đảng viên có con, cháu tảo hôn, vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Đơn cử như năm 2022, toàn huyện có 12 đảng viên bị kỷ luật do có con kết hôn trước độ tuổi pháp luật quy định; trong đó nhiều nhất là ở xã Phì Nhừ (8 đảng viên), còn lại thuộc xã Xa Dung và Pu Nhi.

Nếu như giai đoạn 2015 - 2020 Chính phủ có Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” thì đến giai đoạn 2020 - 2025, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có có tiểu dự án 2 (thuộc dự án 9) về “Giảm thiếu tình trạng tảo hôn và HNCHT vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Triển khai tiểu dự án trên, đến hết năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 1 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình cho 85 người là cán bộ, lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tổ chức 12 hội nghị trực tuyến tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT tại các xã vùng cao. Đối với cấp huyện, Phòng dân tộc đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, tập huấn trực tiếp cho người dân các bản vùng cao, vùng có tỷ lệ tảo hôn và HNCHT cao trên địa bàn; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về hôn nhân gia đình, phòng chống tảo hôn và HNCHT cho học sinh các trường THCS trên địa bàn huyện.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top