Vi rút SARS-CoV-2 vẫn tồn tại, tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao

10:16 - Thứ Sáu, 14/04/2023 Lượt xem: 6488 In bài viết

Chiều 13-4, Bộ Y tế đã có buổi trao đổi với báo chí trước tình hình số ca mắc mới Covid-19 gia tăng trong những ngày gần đây.

Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Phan Trọng Lân cho rằng, theo dự báo của các nhà khoa học và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi rút SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Để điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống, vấn đề đặt ra là cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu, tránh quá tải hệ thống y tế.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Phan Trọng Lân.

Biến thể chủ đạo vẫn là Omicron

Theo Bộ Y tế, trong 8 ngày vừa qua (từ ngày 5-4 đến ngày 12-4), cả nước đã ghi nhận 900 ca mắc mới Covid-19. Riêng ngày 12-4, cả nước ghi nhận 261 ca Covid-19, tăng so với ngày trước đó và cao nhất trong hơn 3 tháng qua. Trung bình có 112 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 4,2 lần so với 7 ngày trước đó. Trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới).

Lý giải về sự gia tăng này, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân, cần căn cứ vào 3 yếu tố, gồm: Vi rút SARS-CoV-2; môi trường sống và các biện pháp đáp ứng.

Thứ nhất, với vi rút SARS-CoV-2, hiện biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế. Dù Omicron có nhiều biến thể phụ (thống kê trên thế giới có tới trên 500 biến thể phụ) song hầu hết đều có chung đặc tính là lây lan nhanh, chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng các ca nặng.

Với biến chủng Omicron, dù hiệu quả phòng lây nhiễm của vắc xin Covid-19 còn hạn chế. Thế nhưng, vắc xin vẫn góp phần hiệu quả trong việc giảm số ca mắc nặng, nhập viện và tử vong, nhất là với người lớn tuổi, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai…

“Hiện nay, trên nền những người đã tiêm chủng hoặc từng mắc bệnh có tới 90% trong số họ có miễn dịch. Miễn dịch này giúp cho các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít có triệu chứng hoặc không có triệu chứng”, ông Phan Trọng Lân cho biết thêm.

Thứ hai và thứ ba là với môi trường sống và các biện pháp đáp ứng. Hiện biến chủng Omicron lây lan nhanh do các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Việc giao lưu đi lại gia tăng sau 3 năm dịch bệnh. Riêng với Việt Nam, công tác phòng, chống dịch mang lại hiệu quả là nhờ vắc xin. Cũng vì thế nên có tình trạng người dân còn chủ quan không đeo khẩu trang, khử khuẩn.

Thời gian gần đây, số ca mắc tại khu vực phía Bắc chiếm ưu thế, do yếu tố thời tiết giao mùa. Tuy nhiên, ông Phan Trọng Lân đánh giá cao sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tại một số tỉnh, thành phố. Điển hình như tỉnh Lào Cai đã vào cuộc sớm xử lý hai ổ dịch, không để lây lan. Tương tự, Hà Nội cũng có những biện pháp triển khai mạnh mẽ để làm giảm sự lây nhiễm.

Bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Về vấn đề được người dân quan tâm hiện nay là có sự xuất hiện của biến thể mới hay không, ông Phan Trọng Lân lý giải, hiện nay, theo các nghiên cứu trên thế giới, chủ đạo vẫn là Omicron và các biến thể phụ. Các biến thể này không làm gia tăng mức độ chuyển nặng của bệnh.

“Tỷ lệ bệnh nhân nặng/số ca mắc không có sự gia tăng. Tại Việt Nam, từ đầu tháng 4-2023 đến nay, dù số ca mắc mới Covid-19 gia tăng nhưng tỷ lệ bệnh nhân nặng/số ca mắc còn thấp hơn so với tháng 3-2023”, ông Phan Trọng Lân thông tin.

Dịch Covid-19 vẫn nằm ở mức nguy cơ thấp

Trước tình hình dịch hiện nay, về phân loại cấp độ dịch, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết, nếu đánh giá về sơ bộ, tình hình dịch tại tất cả các địa phương hiện đang ở cấp độ màu xanh, có nghĩa là không vượt qua cấp độ 1 (nguy cơ thấp). Có thể nói rằng, dù số ca mắc tăng nhưng tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát.

“Kể cả số ca mắc có tăng cục bộ ở nơi này nơi kia nhưng dịch Covid-19 vẫn được kiểm soát”, ông Phạn Trọng Lân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần theo dõi sát các số liệu, đề nghị các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết và phòng chống.

“Cấp độ dịch này có ý nghĩa, ở cấp xã, phường, phát hiện sớm nhất, khoanh vùng hiệu quả nhất, xử lý dịch tại nguồn để không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội. Điều đó phụ thuộc lớn vào các địa phương, tránh sự hoang mang cũng như chủ quan của người dân”, ông Phan Trọng Lân nói.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người cao tuổi.

Theo dự báo của các nhà khoa học và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Để điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao như: Người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, kể cả lực lượng y tế tuyến đầu. Từ đó, tránh sự quá tải hệ thống y tế.

“Mục tiêu giai đoạn tới là giảm tỷ lệ nhập viện, giảm bệnh nhân nặng và tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế và giữ vững thành quả chống dịch. Người dân cần tiêm chủng đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là với nhóm nguy cơ cao”, ông Phan Trọng Lân khẳng định.

Để phòng bệnh hiệu quả, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, người dân vẫn phải tuân thủ đeo khẩu trang ở nơi công cộng, luôn giữ khoảng cách khi đến nơi đông người và tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ. Khi có triệu chứng nghi ngờ, cần chủ động tự cách ly tại nhà để phòng lây nhiễm cho những người xung quanh. Chỉ những trường hợp nằm trong nhóm nguy cơ cao, có bệnh nền mạn tính và có triệu chứng nặng thì mới cần đến cơ sở y tế điều trị.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top