Vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân

08:46 - Thứ Năm, 27/04/2023 Lượt xem: 3714 In bài viết

Phạm Giang Nam

Giám đốc Sở Y tế

ĐBP - Ngành Y tế tỉnh Điện Biên đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển. Trong suốt 7 thập kỷ ấy, ngành đi qua nhiều thăng trầm, gian khó. Đội ngũ cán bộ y tế các cấp luôn nỗ lực, vượt qua những khó khăn, vất vả để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Đồng thời đóng góp quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại một đơn vị trường học, khi tình hình dịch bệnh còn đang diễn biễn phức tạp. Ảnh: Nguyễn Hiền

Ngược dòng thời gian, nhìn lại ngày đầu mới thành lập (1/5/1953), ngành Y tế tỉnh Điện Biên (tỉnh Lai Châu cũ) có bộ máy sơ khai, chưa có bác sĩ, thiếu thuốc men, vắc xin. Các loại bệnh dịch như sốt rét, đậu mùa, bệnh đường tiêu hóa, các bệnh hoa liễu, mắt và bệnh phong... lưu hành phổ biến. Nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh vô cùng hạn chế. Theo yêu cầu thực tế, ngành mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ và tổ chức thành 2 đội: Đội y tế lưu động thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chăm sóc sức khỏe, hậu cần phục vụ chiến đấu và làm hậu phương xây dựng nơi cấp cứu cho chiến sỹ ở vùng cao Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên. Đội cấp cứu và đào tạo cứu thương để chuẩn bị phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong thời gian này, (tháng 11/1954) bệnh xá đầu tiên 30 giường bệnh được thành lập.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, y tế các châu (ngày nay là các huyện) thuộc Khu tự trị Tây Bắc duy trì hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia phát triển sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đến năm 1963, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) được tái lập từ Khu tự trị Tây Bắc, ngành Y tế tập trung dự phòng tích cực, khám chữa bệnh, “xóa” xã trắng về y tế, đào tạo cán bộ, đáp ứng thuốc tại chỗ phục vụ nhân dân. Khó chồng khó, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, ngành đã phải sơ tán 4 lần trong vòng 6 năm (1965 - 1971). Bao mồ hôi, công sức và cả xương máu của lực lượng y tế đã đổ xuống để có thể đảm bảo chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và tiếp tục phát triển.

Tháng 1/2004, tỉnh Điện Biên thành lập trên cơ sở chia tách tỉnh Lai Châu. Ngành Y tế Điện Biên bước sang một trang mới - không ngừng phát triển và lớn mạnh về tổ chức bộ máy, cán bộ và hoạt động, song hành với sự đổi mới của đất nước, của tỉnh. Đến những năm sau này, ngành triển khai đồng bộ 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh; khám chữa bệnh; phục hồi chức năng. Nhiều thành tựu của y học hiện đại đã được đội ngũ thầy thuốc của tỉnh ứng dụng hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đến nay, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực y tế cơ bản đáp ứng và tạo điều kiện thuận lợi để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Toàn tỉnh có 4 bệnh viện tuyến tỉnh với 830 giường bệnh và 1 khu điều trị phong 20 giường bệnh. Hệ phòng bệnh và sự nghiệp cũng tiếp tục được củng cố kiện toàn với 4 trung tâm. Tại tuyến huyện, 10 phòng y tế thực hiện quản lý Nhà nước về y tế; 10 trung tâm y tế huyện thực hiện đa chức năng với 1.085 giường bệnh; quản lý 7 phòng khám đa khoa khu vực với 85 giường bệnh. Hệ thống y tế về tới từng xã bản vùng sâu, vùng xa với: 129 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 81,5% thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản và 131 cô đỡ thôn, bản hoạt động. Nhân lực y tế ngày càng nâng lên về số lượng và chất lượng. Tổng số cán bộ toàn ngành là 3.175 người (không tính nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ), đạt 12,66 bác sĩ trên vạn dân; 2,2 dược sĩ đại học trên vạn dân; 16,32 điều dưỡng trên vạn dân. Công tác đào tạo và phát triển nhân lực y tế tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh. Từ năm 2013 - 2023, ngành Y tế đã và đang đào tạo 1.197 cán bộ có trình độ đại học và trên đại học. Y tế ngoài công lập cũng được mở rộng, hiện trên địa bàn tỉnh có 181 cơ sở hành nghề y, 11 doanh nghiệp kinh doanh thuốc chữa bệnh đạt GDP, 360 cơ sở bán lẻ thuốc đạt GPP; bình quân dân số/cơ sở bán lẻ thuốc là 1.766 người/cơ sở.

Về công tác y tế dự phòng, đã chủ động, tích cực giám sát, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Đặc biệt là trong 3 năm qua, đứng trước đại dịch Covid-19, ngành Y tế Điện Biên khẳng định vai trò chủ động, bản lĩnh, năng lực và ý thức trách nhiệm với kết quả kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ. Các mục tiêu trong chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân và chỉ số sức khỏe đã được cải thiện đáng kể, trong đó: Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi hằng năm đạt trên 90%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân và thể thấp còi giảm xuống còn 15,3% và 25,6% (năm 2022); tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi giảm còn 28,1%o và 33,3%o (năm 2022); tuổi thọ trung bình 69,5 tuổi (năm 2022)...

Chất lượng công tác khám chữa bệnh ở các tuyến không ngừng được nâng lên, một số kỹ thuật mới, chuyên sâu trước đây phải chuyển bệnh viện Trung ương, nay đã thực hiện được tại tỉnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục được đầu tư là trung tâm khám, chữa bệnh kỹ thuật cao của tỉnh. Giai đoạn 2014 - 2020, cơ sở là bệnh viện vệ tinh với 4 bệnh viện tuyến Trung ương. Qua đó, 68 kỹ thuật thuộc nhiều chuyên ngành được chuyển giao; 254 lượt cán bộ được đào tạo. Đến nay rất nhiều bệnh lý khó đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện thành công như: Tán sỏi thận qua da, tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng; chụp và đọc MRI; phẫu thuật chấn thương sọ não; phẫu thuật một số bệnh lý ung thư... Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh được sự hỗ trợ của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương và Bệnh viện Châm cứu Trung ương theo Đề án 1816, đã được chuyển giao 5 kỹ thuật và đào tạo cho 22 lượt cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện.

Kết quả của sự đầu tư, đổi mới ấy là, nhân dân các dân tộc, các địa bàn đều có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế bảo đảm nhanh chóng, an toàn và có hiệu quả. Người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại tỉnh, góp phần giảm thiểu tình trạng chuyển tuyến điều trị, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh. Hằng năm ngành Y tế tỉnh đã phục vụ, khám bệnh cho trên 900.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho trên 100.900 lượt, điều trị ngoại trú cho trên 7.200 lượt, kê đơn cấp thuốc tuyến xã cho trên 314.900 lượt. Công suất sử dụng giường bệnh của tuyến tỉnh và huyện là 104%, ngày sử dụng giường bệnh/tháng là 30,7 ngày, điều trị trung bình 1 bệnh nhân 6,5 ngày.

Với những cống hiến, nỗ lực trong suốt 70 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành được nhận những danh hiệu, phần thưởng cao quý. Đến thời điểm hiện tại, ngành Y tế tỉnh Điện Biên đã có 1 thầy thuốc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và 38 Thầy thuốc ưu tú. Sở Y tế được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều đơn vị và 7 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trường Cao đẳng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Phòng chống sốt rét. Hơn 3.000 lượt cá nhân, tập thể được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, bằng khen, kỷ niệm chương,

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ ngành Y tế tỉnh Điện Biên hôm nay tự hào và trân trọng những đóng góp của những cán bộ y tế đã đặt nền móng xây dựng ngành; cùng bao thế hệ thầy thuốc đã không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh thầm lặng để hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ được giao. Thế hệ cán bộ ngành Y tế tỉnh Điện Biên hôm nay nguyện giữ vững truyền thống và đạo đức của người thầy thuốc “Lương y phải như từ mẫu”; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp thu ứng dụng những thành tựu của y học hiện đại, để phục vụ ngày càng tốt hơn sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Qua đó góp phần xây dựng, phát triển tỉnh Điện Biên ngày càng giàu mạnh.

Bình luận

Tin khác

Back To Top