Mối lo khi có nhiều trẻ em “0 liều vắc xin”

15:58 - Thứ Sáu, 28/04/2023 Lượt xem: 2881 In bài viết

“Tuần lễ Tiêm chủng thế giới” được tổ chức hằng năm vào tuần cuối cùng của tháng 4, nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng vắc xin để bảo vệ con người trước nguy cơ bệnh tật. Đáng lo ngại, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vắc xin” nhiều nhất thế giới.

Mối lo có thật

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có tổng cộng 67 triệu trẻ em, trong đó có gần 250.000 trẻ em ở Việt Nam không được tiêm vắc xin đầy đủ; tỷ lệ bao phủ tiêm chủng sụt giảm tại 112 quốc gia trong 3 năm, từ năm 2019 tới năm 2021.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do dịch vụ tiêm chủng bị gián đoạn vì hệ thống y tế quá tải, nguồn lực khan hiếm và bị phân tán, tình trạng xung đột, sự sụt giảm niềm tin của người dân vào tiêm chủng, đặc biệt là trong giai đoạn bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vắc xin” nhiều nhất thế giới, trong đó có 187.315 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vắc xin nào trong năm 2021.

Tại Việt Nam, số liệu cho thấy tỷ lệ trẻ em không được tiêm chủng ở thành thị cao hơn khoảng 1,5 lần so với trẻ em sống ở nông thôn (6,3% - 4,2%), trong khi tỷ lệ này ở nhóm các hộ gia đình nghèo nhất cao gần gấp đôi so với nhóm các hộ gia đình giàu nhất (13,5% - 6,6%).

Bà Lesley Miller, Phó đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất quan ngại về khả năng bùng phát các dịch bệnh đáng ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng, đặc biệt là bệnh sởi. Trẻ em được sinh ra ngay trước hoặc trong thời gian xảy ra đại dịch, hiện đang bước qua độ tuổi thông thường đã được tiêm chủng. Điều này cho thấy sự cần thiết phải hành động một cách nhanh chóng để kịp thời tiêm phòng cho những trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ, qua đó ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh có thể gây chết người”.

Hiện nay, thời tiết giao mùa, một số bệnh dịch đang xuất hiện trở lại và tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến bất thường. Do đó, việc tiêm ngừa một số vắc xin phòng bệnh như phế cầu, viêm màng não, cúm, Covid-19 là rất cần thiết.

Tầm quan trọng của vắc xin

Chương trình tiêm chủng mở rộng được đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam.

Chương trình được triển khai bắt đầu từ năm 1981. Theo đó, trẻ em sẽ được tiêm chủng miễn phí các loại vắc xin phòng bệnh nguy hiểm và dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng dân số.

Trong hơn 40 năm thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng đã góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib, bệnh tả, thương hàn, sởi...

Đến nay, đã có 11 loại vắc xin, gồm vắc xin phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em ở nước ta.

Theo lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, giai đoạn 2022 - 2030, các loại vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, phế cầu, ung thư cổ tử cung và cúm mùa sẽ được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, qua đó giúp nhiều trẻ có thêm cơ hội phòng các bệnh dễ lây nhiễm, giảm gánh nặng bệnh tật.

Nước ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa (vào cuối những năm 1970), bại liệt (năm 2000), loại trừ được uốn ván sơ sinh (năm 2005).

Ngoài Chương trình tiêm chủng mở rộng, năm 2021, thực hiện NQ 128/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng dịch Covid-19, một chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã được tổ chức thành công, an toàn, góp phần quan trọng trong việc khống chế đại dịch, sớm đưa mọi hoạt động trở về trạng thái bình thường mới.   

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong giai đoạn 2020-2021, các trạm y tế xã/phường trên toàn quốc đã phải tạm ngừng tổ chức tiêm chủng, kéo theo tỷ lệ tiêm, uống vắc xin giảm.

Bên cạnh đó, do tâm lý e ngại bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành nên phụ huynh không cho trẻ đi tiêm chủng ngay, nhiều trẻ tiêm chủng bị chậm so với lịch.

Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các chương trình tiêm chủng mở rộng đã được phục hồi. Phụ huynh cần xem lại lịch tiêm của trẻ, chủ động nắm bắt thông tin về việc tổ chức tiêm chủng tại địa phương, khi có thông báo tiêm bù cho trẻ thì đưa trẻ đi tiêm ngay khi có thể.

Bên cạnh những loại vắc xin có trong danh mục vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ tiêm thêm các mũi dịch vụ khác để bảo vệ sức khỏe toàn diện cho trẻ.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top