Cần quan tâm đảm bảo nhân lực ngành Y tế

08:32 - Thứ Tư, 31/05/2023 Lượt xem: 6238 In bài viết

ĐBP - Để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, hệ thống y tế cơ sở với các trạm y tế xã phường đã phủ đến khắp các địa bàn. Tuy vậy, nhân lực y tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ y tế phải kiêm nhiệm nhiều công việc, không đảm bảo thời gian nghỉ sau trực, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh...

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng thăm khám cho bệnh nhân.

Phòng khám Đa khoa khu vực Xá Nhè, trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa được xây dựng từ năm 1998. Thực hiện nhiệm vụ khám và điều trị cho nhân dân 4 xã phía Nam của huyện; nhân dân các xã giáp ranh khác của huyện Tuần Giáo và xã Nặm Hăn (huyện Sìn Hồ, Lai Châu), xã Cò Nàng (Quỳnh Nhai, Sơn La). Cùng với đó kiêm nhiệm công tác của Cơ sở cấp phát thuốc methadone. Tuy nhiên viên chức của đơn vị hiện chỉ có 7 người, trong đó có 2 bác sĩ. Bác sĩ Vàng A Lử, Trưởng phòng khám cho biết: “Phòng khám có 15 giường bệnh theo kế hoạch nhưng thực kê 26 giường. Do mô hình bệnh tật theo mùa và dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân một số thời điểm tăng lên 20 - 25 bệnh nhân. 2 bác sĩ thay nhau trực, nhiều khi quá tải, không có thời gian nghỉ ngơi, nghỉ bù trực như quy định. Phòng khám rất mong được bổ sung biên chế, nhất là người có trình độ bác sĩ”.

Nói về tình trạng này, bác sĩ Điêu Chính Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa cho biết: “Đến tháng 6 này, Trung tâm sẽ có thêm 2 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, sẽ tăng cường cho Phòng khám Đa khoa khu vực Xá Nhè 1 bác sĩ. Tuy nhiên việc thiếu nhân lực y tế là tình trạng chung trên địa bàn”.

Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa có 5 phòng chức năng, 15 khoa chuyên môn, 2 phòng khám đa khoa khu vực, 12 trạm y tế xã/thị trấn, 1 cơ sở điều trị, 1 cơ sở cấp phát thuốc methathone. Sở Y tế giao chỉ tiêu biên chế viên chức cụ thể từng hệ cho đơn vị, tuy nhiên so với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của Trung tâm thì số lượng viên chức được giao còn thấp. Đến tháng 4/2023, tổng số biên chế được giao 219, chưa tuyển dụng là 9. Việc tuyển dụng viên chức hàng năm cũng không đạt, nên càng thêm thiếu người làm việc chuyên môn tại đơn vị. Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 17 viên chức tuyển dụng mới, trong đó chỉ có 4 bác sĩ đa khoa.

Tại huyện Mường Ảng cũng vậy, tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của toàn Trung tâm Y tế tính đến 31/3/2023 là 217 người, trong đó biên chế được giao 210, có mặt 202 người. Định mức theo Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV liên bộ (Bộ Y tế - Bộ Nội vụ) về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước, thì Mường Ảng thiếu 15 người. Còn theo Thông tư mới số 03/2023/TT-BYT của Bộ Y tế về nội dung này thì thiếu đến 50 vị trí.

Bác sĩ Bùi Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng chia sẻ: “Nhiều viên chức thực hiện chuyên môn đang phải kiêm nhiệm các công việc khác nhau với khối lượng lớn. Tuy nhiên đơn vị vẫn phải tinh giản biên chế theo lộ trình. Với thực trạng hiện nay thì rất khó thực hiện điều này, do nhân lực thiếu, viên chức của đơn vị có tuổi đời trẻ, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đang được bồi dưỡng, để hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao”.

Đây cũng là khó khăn chung của ngành Y tế tỉnh ta. Ở tuyến tỉnh, ngành hiện có 3 đơn vị quản lý Nhà nước, 9 đơn vị sự nghiệp (4 trung tâm và 4 bệnh viện tuyến tỉnh). Tuyến huyện có 10 phòng y tế và 10 trung tâm y tế. Tổng số nhân lực ngành Y tế quản lý chi lương (tính đến 31/3) là 3.164 người, trong đó biên chế 3.093 người, còn lại là hợp đồng lao động theo Nghị định 68.

Sở Y tế cũng như các ngành, đang tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế. Do đó, số lượng biên chế hành chính, sự nghiệp của ngành đều bị cắt giảm hàng năm. Từ năm 2017 - 2021, UBND tỉnh cắt giảm 395 trên tổng số biên chế được giao cho ngành. Năm 2023, ngành được giao 3.170 biên chế (trong đó, hưởng từ ngân sách Nhà nước 2.451; từ nguồn thu sự nghiệp 719). Do đó, Sở phải điều chỉnh chỉ tiêu biên chế giữa các đơn vị sự nghiệp để đảm bảo nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ khám chữa bệnh, phòng chống dịch tại tất cả các tuyến.

Có thể thấy, dù thiếu nhân lực, nhưng ngành Y tế còn 77 chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng. Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Bởi lẽ công tác tuyển dụng của ngành cũng gặp khó khăn, đặc biệt với một số chuyên ngành như: Bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, gây mê phẫu thuật, chuyên khoa nhi và các kỹ thuật xương bột, nha khoa... Cùng với đó, thí sinh một số ngạch bác sĩ, điều dưỡng đại học chủ yếu đăng ký dự tuyển vào đơn vị y tế tuyến tỉnh và một số huyện vùng thuận lợi, không đăng ký dự tuyển vào huyện thuộc vùng khó khăn”.

Vậy nên, một số đơn vị hiện vẫn còn thiếu nhân lực chuyên môn như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa... Dù nỗ lực khắc phục khó khăn, đáp ứng yêu cầu công việc, tuy nhiên thiếu nhân lực ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ. Ở nhiều đơn vị, cán bộ y tế phải kiêm nhiệm, phụ trách nhiều chương trình y tế nên hiệu quả công việc chưa cao. Chất lượng cán bộ ở tuyến huyện chưa đồng đều, còn thiếu cán bộ trình độ chuyên khoa sâu các chuyên ngành. Cũng bởi phải kiêm nhiệm nên việc cử cán bộ tham gia đào tạo nâng cao trình độ gặp khó khăn.

Với thực tế trên, ngành Y tế có nhiều kiến nghị, đề xuất để đảm bảo nhân lực. Trong đó kiến nghị UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền xem xét giao tăng chỉ tiêu biên chế công chức cho Sở và 2 chi cục trực thuộc. Ưu tiên cho ngành Y tế không thực hiện tỷ lệ cắt giảm biên chế; giao tăng chỉ tiêu số lượng người làm việc là viên chức... Cùng với đó quan tâm đến các chế độ, chính sách đặc thù cho cán bộ y tế. Đặc biệt là chính sách tiền lương còn nhiều bất cập, chưa xứng đáng với khối lượng công việc phải thực hiện.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top