Sẽ xem xét chuyển dịch COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B

09:54 - Thứ Năm, 01/06/2023 Lượt xem: 5095 In bài viết

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 không còn tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch chưa kết thúc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang phối hợp cùng với các bộ, ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Việt Nam, Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

"Dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 bàn thảo liên quan đến nội dung này", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

COVID-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B người dân không còn được điều trị miễn phí.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đến nay, từ kinh nghiệm thực tiễn trải qua các đợt chống dịch, Việt Nam có thể yên tâm công bố hết COVID-19 bởi đã hội tủ đủ các yếu tố cần thiết. Thứ nhất, hiện nay tỷ lệ bệnh nặng hầu như không còn, đây là điều quan trọng nhất quyết định việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch. Tuy COVID-19 vẫn còn lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, không còn nguy cơ gây tử vong cao, vì vậy, có thể coi COVID-19 như nhiều bệnh truyền nhiễm thông thường khác.

Thứ hai, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao trên diện rộng. Tính đến nay, toàn quốc đã tiêm được gần 267 triệu liều vaccine. Thứ 3, tình hình COVID-19 trên thế giới đã ổn định, đầu tháng 5 WHO tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đây là 3 điều kiện cơ bản và cần thiết để Việt Nam chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch bệnh.

Nếu công bố hết dịch COVID-19, các khuyến cáo chống dịch thay đổi ra sao và Việt Nam cần thích ứng như thế nào nếu dịch bệnh này lại bùng phát? PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế cho biết), mặc dù có xếp COVID-19 vào nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác thì COVID-19 vẫn phải là bệnh có tính đặc thù vì WHO chưa công bố kết thúc đại dịch COVID-19. WHO tiếp tục khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng và chuyển từ việc phòng, chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch bền vững, lâu dài. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách, kế hoạch phòng, chống dịch để không bất ngờ mà vẫn kiểm soát được dịch trong mọi tình huống.

Theo chuyên gia, mặc dù Việt Nam chưa chuyển đổi COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B nhưng nhiều hoạt động đã thực hiện như nhóm B, đó là việc mở cửa, không cấm đoán đi lại, du lịch, tổ chức hội họp, sự kiện, không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, nới lỏng cách ly… để làm ăn kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện chỉ còn một số hoạt động coi COVID-19 là nhóm A như quy định giám sát dịch, chữa bệnh miễn phí cho người mắc COVID-19, tiêm vaccine miễn phí, chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch…

Nếu chuyển COVID-19 sang nhóm B thì việc điều trị của người bệnh không được miễn phí. “Cơ quan chức năng cần có tính toán phù hợp, như người bệnh có thể tìm đến các bệnh viện chuyên khoa để khám, điều trị. Hiện tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế rất cao, vì vậy chi phí cho điều trị COVID-19 có thể chi trả theo bảo hiểm y tế”, ông Phu nói.

Bộ Y tế cho biết, trong năm 2023 vẫn tiêm vaccine COVID-19 miễn phí cho người dân và lồng ghép vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo ông Phu, việc tiêm chủng vaccine vẫn cần ưu tiên bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương. Bộ Y tế và cơ quan chức năng cần có kế hoạch tiêm vaccine COVID-19, trong đó nêu rõ đối tượng nào cần tiêm vaccine bắt buộc, tiêm theo khuyến cáo, đối tượng nào phải trả phí và lịch tiêm cụ thể.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top