Không chủ quan với bệnh uốn ván

08:15 - Thứ Ba, 20/06/2023 Lượt xem: 6689 In bài viết

ĐBP - Uốn ván là nhiễm độc cấp tính độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra và là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Loại vi khuẩn gây bệnh có mặt ở mọi nơi, chủ yếu trong đất và phân gia súc, tồn tại bền vững theo thời gian.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân điều trị uốn ván tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Ngày 3/6, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiếp nhận bệnh nhân G.A.L. 16 tuổi, xã Nà Tòng (huyện Tuần Giáo) vào viện do cứng hàm, khó há miệng, tiên lượng nặng. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, khi vào viện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, hàm mở 1,5cm, gáy cứng, cứng hàm, dễ kích thích co cơ với tiếng động. Vết thương do đinh ở lòng bàn chân phải đã khô đóng vảy. Bệnh nhân được chẩn đoán uốn ván thể cấp tính. Qua khai thác, được biết, bệnh nhân dẫm phải đinh sắt 10 ngày trước khi nhập viện, không xử trí vết thương, vết thương đã khô; tuy nhiên trong lúc làm việc đột ngột kích thích co cứng cơ toàn thân, ngã, co giật nên được cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa sau đó chuyển tuyến xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bệnh nhân G.A.L. cho biết: “Trước khi vào viện 10 ngày, tôi dẫm phải một cây đinh sắt ở lòng bàn chân phải, vết thương nhỏ nên tôi chủ quan. Ngày thứ 7 sau khi dẫm phải đinh, tôi xuất hiện cứng hàm, khó há miệng, nuốt khó, cứng gáy. Rất may, sau nhiều ngày được các bác sĩ điều trị tích cực, tình hình của tôi đã ổn định”.

Bác sĩ Bùi Quang Thắng, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: Trung bình mỗi tháng, khoa tiếp nhận điều trị 1 - 2 ca bệnh uốn ván, chủ yếu ở các huyện: Tủa Chùa, Mường Chà. Năm 2023 có 1 bệnh nhân ở Tủa Chùa tử vong. Các triệu chứng của uốn ván bao gồm cứng hàm (thường gặp nhất), khó nuốt, bồn chồn, cáu gắt, cứng cổ, cứng tay hoặc chân, đau đầu, đau họng, lưng uốn cong, độc tính co thắt, bệnh nhân gặp khó khăn khi mở hàm. Nguyên nhân của bệnh uốn ván xuất phát từ những vết thương rất nhỏ như giẫm phải gai, đinh, ở trẻ sơ sinh nhiễm trùng do quá trình cắt và chăm sóc rốn không đảm bảo... Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 5 - 10 ngày, nên thường tạo ra tâm lý chủ quan cho người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như gây khó thở, ngạt thở, suy hô hấp, động kinh, viêm phổi, thuyên tắc phổi, thậm chí tử vong.

Uốn ván có thể xảy ra ở mọi người, ở mọi lứa tuổi, nếu chưa được tiêm ngừa uốn ván đầy đủ và không biết cách chăm sóc, xử trí đúng khi có vết thương. Bác sĩ Thắng khuyến cáo, người dân có thể chủ động phòng ngừa bệnh uốn ván bằng cách tiêm vắc xin uốn ván để tạo miễn dịch bảo vệ chủ động. Để tạo miễn dịch cơ bản, cần tiêm 3 mũi vắc xin; trong đó, mũi tiêm thứ 2 sau mũi tiêm đầu tiên 1 tháng, mũi tiêm thứ 3 sau mũi tiêm thứ 2 là 6 tháng. Khi đã có miễn dịch cơ bản, cần tiêm nhắc lại 1 mũi vắc xin sau mỗi 5 - 10 năm để có miễn dịch bảo vệ bền vững. Phụ nữ có thai cần được tiêm phòng uốn ván chủ động vì miễn dịch của người mẹ do vắc xin có giá trị phòng được uốn ván sơ sinh cho con. Đối với trường hợp chưa tiêm vắc xin, khi có vết thương, xây xước hoặc động vật cắn, cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí vết thương đúng cách, đồng thời tiêm vắc xin uốn ván và điều trị theo phác đồ; tránh tuyệt đối tình trạng tự xử lý vết thương tại nhà như thoa đắp các loại lá cây, cỏ không đảm bảo vệ sinh và đây có thể là một trong các nguyên nhân tạo điều kiện xâm nhập của các vi khuẩn uốn ván.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top