Tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm

14:16 - Thứ Sáu, 07/07/2023 Lượt xem: 5275 In bài viết

Theo Bộ Y tế, lộ trình từ nay đến năm 2025, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ được kiện toàn, xây dựng lại theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối. Việc kiện toàn bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm, thống nhất từ trung ương đến địa phương nhằm tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm.

Đoàn liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thu Trang

Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Trong những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm đã được các cấp, ngành đẩy mạnh và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý và hội nhập quốc tế.

Những năm qua, nhiều vùng nguyên liệu an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, siêu thị đã được xây dựng. Hằng năm, kiến thức, thực hành về vệ sinh, an toàn thực phẩm của người sản xuất, chế biến, người tiêu dùng đều được nâng lên.

Nhờ những kết quả trên, Việt Nam từ một nước nhập khẩu nay đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản, thực phẩm như gạo, chè, thủy sản, cà phê, hạt tiêu… đứng tốp 10 thế giới. Nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu... đã nhập khẩu thực phẩm từ Việt Nam. Hiện, nước ta đã xuất khẩu nông sản đến gần 120 nước và vùng lãnh thổ.

“Lương thực của Việt Nam không những đủ nuôi sống gần 100 triệu người dân trong nước mà còn đủ sức nuôi sống thêm hơn 100 triệu dân nữa”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất, đồng bộ. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý chưa đạt hiệu quả cao. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao…

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đưa ra một số vấn đề đáng lo ngại cần có giải pháp quản lý chặt chẽ khi việc kinh doanh thực phẩm qua môi trường mạng trở nên phổ biến như hiện nay. Cụ thể là việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quảng cáo không được kiểm duyệt nội dung; nội dung quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm…

Không chỉ vậy, tỷ lệ nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, kích thích tăng trưởng trong nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước khác trong khu vực.

Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm

Hiện nay, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ở Việt Nam được phân cho 3 bộ, trong đó Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm ngành hàng, Bộ NN&PTNT quản lý 19 nhóm ngành hàng.

Riêng tại 3 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh đã triển khai thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm trực thuộc UBND tỉnh/thành phố. Mô hình tổ chức Ban Quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm của 3 sở: Y tế, Công Thương, NN&PTNT, trực thuộc UBND tỉnh/thành phố được thí điểm vào năm 2016, khởi điểm thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh; tiếp đến năm 2017 triển khai tại Đà Nẵng và năm 2018 tại tỉnh Bắc Ninh.

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, đặt ra yêu cầu phải xây dựng được một cơ quan quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương. Thời gian qua, tại 3 địa phương, việc thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã giúp phản ứng nhanh hơn trước những diễn biến liên tục về tình hình an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do đang ở giai đoạn thí điểm nên cơ quan này cũng bị hạn chế một số thẩm quyền trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt là việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Trước tình hình an toàn thực phẩm trong nước vẫn còn nhiều thách thức, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, trong thời gian tới, giải pháp quan trọng trong quản lý an toàn thực phẩm là tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TƯ của Ban Bí thư. Theo đó, Chỉ thị đã đặt ra yêu cầu là phải xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương. Trong đó, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý an toàn thực phẩm. Bộ Y tế sẽ cùng với các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để nhanh chóng kiện toàn về tổ chức bộ máy. Mô hình tổ chức bộ máy mới sẽ được xây dựng theo hướng tập trung các lực lượng chuyên môn về y tế, công thương, nông nghiệp trong một cơ quan chung, giống như mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm hiện đang được thực hiện thí điểm ở 3 địa phương nêu trên. Lộ trình kiện toàn mô hình tổ chức là từ năm 2023 đến 2025.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top