Hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi

06:45 - Thứ Bảy, 08/07/2023 Lượt xem: 6734 In bài viết

ĐBP - “Với suy nghĩ, một ngày nào đó nếu không may qua đời, mà một phần thân thể của mình vẫn sống và tiếp tục sống có ích cho người khác; tôi đã quyết định đăng ký hiến tặng mô, tạng của mình…” - đó là chia sẻ của chị Ngô Thị Hoài, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ). Với thông điệp đầy yêu thương trong cuộc sống “Cho đi là còn mãi…”, cùng với chị Hoài, nhiều người trên địa bàn tỉnh đã tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng để cứu người.

Chị Nông Thị Ngọc Mai (thứ 3 từ trái sang) tham gia chương trình hiến máu tình nguyện.

Cho đi là hạnh phúc

Lễ hội Xuân hồng năm 2023 đánh dấu một kỷ niệm quan trọng trong cuộc đời chị Ngô Thị Hoài. Đây không chỉ là lần thứ 15 chị Hoài tham gia hiến máu tình nguyện mà tại chương trình này, chị đã quyết định viết đơn tự nguyện hiến tặng mô, bộ phận cơ thể sau chết não.

Chia sẻ về quyết định trên, chị Hoài cho biết: Tôi đã từng được đọc, xem nhiều câu chuyện xúc động của những người trước khi từ biệt cõi đời có nguyện vọng đăng ký hiến mô, tạng để có thể trao cơ hội sống cho những người không may gặp phải căn bệnh hiểm nghèo. Và thật ý nghĩa khi tại chính gia đình tôi, người bố thân yêu của tôi cũng đã có quyết định như thế. Suy nghĩ bố mình làm được thì mình cũng làm được, bởi cho đi là để còn mãi. Vì vậy, sau khi biết thông tin Hội Chữ thập đỏ tỉnh kêu gọi đăng ký hiến mô, tạng, tôi đã đăng ký tham gia.

Cầm trên tay tờ giấy đăng ký hiến tặng mô, tạng, chị Trần Thị Thủy, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) khẽ nở nụ cười khi thực hiện được điều mình mong mỏi đã lâu. Theo chia sẻ của chị, trước đây khi biết đến chương trình hiến mô, tạng, chị Thủy đã chia sẻ tâm tư của mình với mọi người trong gia đình và bạn bè, nhiều người ủng hộ bởi đó là việc làm nhân văn nhưng cũng có nhiều ý kiến phản đối. Nhưng với ý nghĩa sâu sắc mà chương trình mang lại và tâm niệm “cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp”, chị Thủy quyết định đăng ký hiến mô, tạng. Bởi theo chị, chết cũng không mang đi được gì, nếu còn cứu giúp được ai thì đó là việc làm vô cùng ý nghĩa.

Làm việc tại Hội Chữ Thập đỏ tỉnh đã nhiều năm, chị Nông Thị Ngọc Mai biết nhiều hoàn cảnh, số phận kém may mắn. Có những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa bệnh, khi có tiền rồi cũng không giữ được mạng sống chỉ vì không có mô, tạng để cấy ghép. Chứng kiến những hoàn cảnh ấy đã thôi thúc chị Mai mạnh dạn đăng ký hiến mô, tạng.

Chị Mai cho biết: Mình muốn hiến các bộ phận của mình sau khi chết để giúp cho những người bị bệnh có cơ hội được cứu sống. Việc hiến tặng mô, tạng không chỉ là trao tặng một món quà vô giá mà còn là một nghĩa cử cao đẹp giúp nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng với cuộc đời.

Lan tỏa hành động nhân văn

Tại Lễ hội Xuân hồng năm 2023, lần đầu tiên Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức kêu gọi, vận động nhân dân tham gia đăng ký hiến mô, tạng. Đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, xa xôi; người dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, hiểu biết về chương trình hiến mô, tạng chưa nhiều. Trong khi đó, nhiều người vẫn còn nặng quan điểm khi chết phải toàn thây, một số người đồng ý hiến nhưng lại gặp phải sự không đồng tình của người thân…

Trước tình hình đó Hội Chữ thập đỏ các cấp và các tình nguyện viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiến mô tạng bằng nhiều hình thức từ lồng ghép trong các buổi vận động hiến máu, tập huấn cho người đăng ký hiến mô tạng đi vận động, chia sẻ thông tin cần biết về hiến mô tạng (đối tượng, độ tuổi, địa điểm đăng ký hiến…). Đồng thời chính bản thân cán bộ chữ thập đỏ gương mẫu đăng hiến mô tạng để làm gương. Nhờ đó, sau 5 tháng từ khi phát động, đến nay đã có trên chục người đăng ký tham gia hiến mô, tạng.

Ông Lò Văn Đức, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Việc đăng ký hiến mô, tạng không chỉ đem lại cơ hội cho người bệnh mà còn đem đến nhiều quyền lợi ưu tiên cho chính bản thân như người đăng ký, đã hiến mô (khi còn sống) được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế. Đối với hiến giác mạc, người hiến sẽ được tôn vinh, trao tặng bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp, đồng thời thân nhân người hiến sẽ được ưu tiên khám, chữa mắt và ghép giác mạc trong trường hợp cần phải ghép thay thế. Đối với người đăng ký hiến tạng, người hiến được cấp thẻ chứng nhận, chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ miễn phí, cấp thẻ BHYT miễn phí, ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế. Sau khi chết, được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân. Người có nhu cầu hiến mô, tạng có thể đăng ký tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, một số bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương, Hội Chữ thập đỏ các cấp. Người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top