Ðầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh

09:25 - Thứ Sáu, 04/08/2023 Lượt xem: 6998 In bài viết

ĐBP - Với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ đó, chất lượng khám chữa bệnh ngày được nâng cao, người dân được tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở, nhiều kỹ thuật đã được giải quyết tại tỉnh, hạn chế tình trạng người bệnh phải chuyển tuyến trên…

Cán bộ Sở Y tế kiểm tra tiến độ xây dựng hạng mục Nhà kỹ thuật cao 7 tầng thuộc Dự án Cải tạo nâng cấp BVÐK tỉnh giai đoạn 2.

Thông tin từ Sở Y tế, hiện nay, 3/4 bệnh viện tuyến tỉnh đã được đầu tư xây mới và nâng cấp, sửa chữa về cơ sở vật, trang thiết bị cơ bản đáp ứng công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang được đầu tư nâng cấp, theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Tại tuyến huyện, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm y tế đa chức năng và các phòng khám đa khoa khu vực đã được đầu tư, tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh. Cụ thể, 10/10 trung tâm y tế huyện, 7/7 phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng theo quy định của Bộ Y tế. Tuyến xã 102 trạm y tế, chiếm 77,5% được xây dựng theo tiêu chuẩn, cơ bản đáp ứng tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định. Các trạm y tế còn lại đang được tiếp tục quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, đảm bảo đến năm 2025, 100% đáp ứng yêu cầu theo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế…

Ông Vừ A Sử, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, hạ tầng y tế trên địa bàn tiếp tục được quan tâm đầu tư xây mới và sửa chữa nâng cấp từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở bằng các nguồn vốn khác nhau. Nhờ đó, cơ sở y tế ở các tuyến đảm bảo điều kiện thực hiện các kỹ thuật chuyên môn ngày càng cao. Như tại Bệnh viện Ða khoa (BVÐK) tỉnh trước khi được đầu tư nâng cấp thì chưa thực hiện được một số dịch vụ kỹ thuật cao, khiến người bệnh phải chuyển tuyến Trung ương, gây khó khăn và tốn kém. Giai đoạn 2014 - 2020, Bệnh viện Ða khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 4 bệnh viện tuyến Trung ương (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Ðức, Bệnh viện K, Bệnh viện Tim Hà Nội, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) với 68 kỹ thuật được chuyển giao, 254 lượt cán bộ được đào tạo chuyển giao kỹ thuật… Nhưng vì chưa có cơ sở vật chất nên việc triển khai các kỹ thuật cao này còn khó khăn.

Từ khi được đầu tư xây dựng thành trung tâm khám chữa bệnh kỹ thuật cao của tỉnh, BVÐK tỉnh có thể thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại. Ðến nay rất nhiều bệnh lý khó đã được thực hiện thành công như: Tán sỏi thận qua da, tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng; chụp và đọc MRI (cộng hưởng từ); phẫu thuật chấn thương sọ não; phẫu thuật một số bệnh lý ung thư; hóa trị trong điều trị bệnh nhân ung thư; đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, tạo hình thân đốt sống bằng bom cement sinh học…

Tại cơ sở y tế tuyến huyện, như: Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà… sau khi được đầu tư đã đủ điều kiện thành lập các chuyên khoa về hồi sức cấp cứu, ngoại, sản, nội, nhi, liên khoa, y học cổ truyền và phục hồi chức năng… Cơ bản thực hiện được các danh mục kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn của Bộ Y tế.

Với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, hệ thống trạm y tế xã được đầu tư xây dựng đã thực hiện được cơ bản công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tại các trạm y tế: Na Cô Sa, Nậm Tin, Nậm Chua (huyện Nậm Pồ); Phì Nhừ, Phình Giàng (huyện Ðiện Biên Ðông)… khi chưa được xây dựng trụ sở mới, tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh rất thấp. Nhưng khi được đầu tư xây dựng, tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh tăng cao gấp nhiều lần so với trước. Có thể thấy, việc đầu tư cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở đã góp phần mở rộng và nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe toàn dân. Người dân ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, bảo đảm nhanh chóng, an toàn và có hiệu quả, góp phần giảm chi phí cho người bệnh và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên…

Với đặc thù tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn thì hệ thống cơ sở vật chất ngành Y tế vẫn rất cần được quan tâm. Hiện nay, tại tuyến tỉnh vẫn còn 2 đơn vị chưa được đầu tư cơ sở vật chất, phải làm việc nhờ các đơn vị khác: Bệnh viện Tâm thần và Trung tâm Giám định y khoa. Ngoài ra, hạng mục nhà kỹ thuật cao 7 tầng thuộc Dự án cải tạo nâng cấp Bệnh viện Ða khoa tỉnh giai đoạn 2 cần tiếp tục được đầu tư 4 tầng còn lại và các hạng mục phụ trợ; trụ sở Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hiện đã xuống cấp, không còn đảm bảo an toàn về kết cấu công trình theo niên hạn sử dụng. Tuyến huyện, Trung tâm Y tế TX. Mường Lay, Phòng khám Ða khoa khu vực Xá Nhè, (huyện Tủa Chùa), Phòng khám Ða khoa khu vực Pa Tần (huyện Nậm Pồ) cần được đầu tư xây dựng, sửa chữa trong giai đoạn tiếp theo…

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top