Phòng bệnh lao ở trẻ

09:10 - Thứ Ba, 08/08/2023 Lượt xem: 6007 In bài viết

ĐBP - Trẻ em là đối tượng rất dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh lao. Bệnh lao nếu phát hiện muộn và không điều trị hết liệu trình có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, cần lưu ý phát hiện, chẩn đoán bệnh lao ở trẻ để điều trị kịp thời.

Trẻ điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Có con đang điều trị lao xương khớp tại Bệnh viện Phổi tỉnh, chị Lò Thị Lả, bản Lói, xã Mường Lói (huyện Ðiện Biên) cho biết: Con gái tôi năm nay 8 tuổi, khi ở nhà, đầu gối cháu sưng lên, ban đầu gia đình cứ nghĩ do cháu ngã hay vận động mạnh thì mới bị như vậy. Ðến khi cháu đi lại thấy đau và sưng to thì gia đình đưa khám ở nhiều nơi mới biết cháu bị lao xương, điều trị từ tháng 4 đến nay tình hình bệnh của cháu cũng đã đỡ hơn.

Bác sĩ Nguyễn Ðức Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: Trẻ em bị bệnh lao thường có nguồn lây từ người thân và chủ yếu lây qua đường hô hấp, hoặc bị lây ở trường học, nhà trẻ, khu dân cư… Việc chẩn đoán lao, tìm ra vi khuẩn lao ở trẻ khó hơn so với người lớn vì triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ bị nhầm với các bệnh lý khác. Nguy hiểm nhất là lao màng não, căn bệnh gây ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh trung ương. Nếu bệnh lao phát hiện muộn hoặc điều trị không hết liệu trình rất nguy hiểm. Bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng, gây nên các triệu chứng sốt, mệt mỏi, kích thích, ho dai dẳng, kiệt sức, thở nhanh, khó thở, ra mồ hôi ban đêm, sút cân và chậm phát triển thể chất, việc điều trị sẽ kém hiệu quả, tỷ lệ khỏi thấp, có những trường hợp bị kháng thuốc hoặc lây lan ra toàn cơ thể, lao đa bộ phận và dẫn đến nguy cơ tử vong.

Trẻ em có thể bị mắc tất cả các thể lao, tuy nhiên thường gặp ở thể lao sơ nhiễm hay lao khởi đầu, lao cấp tính, lao hô hấp sau sơ nhiễm, lao phổi, lao màng phổi và lao ngoài phổi. Lao sơ nhiễm thường gặp nhất, sơ nhiễm lao thông thường không có triệu chứng hoặc có triệu chứng cảm cúm thoáng qua hay nóng sốt mệt mỏi, chán ăn hoặc ít khi có triệu chứng giống như thương hàn, sốt cao, mệt mỏi nhưng không rối loạn tiêu hóa. Lao cấp tính trong đó có lao màng não, lao kê cấp tính là hai biến chứng nặng và sớm của sơ nhiễm lao dễ dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm và để lại di chứng trầm trọng nếu chẩn đoán muộn; bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở trẻ không tiêm vắc xin phòng bệnh lao, trẻ dưới 2 tuổi. Lao kê là lao cấp ở phổi, xuất hiện trong những tuần lễ đầu sau sơ nhiễm lao với triệu chứng sốt cao, mạch nhanh, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, không có nốt hồng ban ở trên bụng và luôn có dấu hiệu hô hấp khó thở, tím tái; trẻ bị lao kê thường dễ dẫn đến lao màng não. Lao đường hô hấp sau sơ nhiễm bao gồm lao màng phổi với triệu chứng mệt, sút cân, ho, đau tức ngực và lao phổi với triệu chứng sốt nhẹ về chiều, chán ăn, sút cân, tức ngực, ho có đờm hay có máu. Lao ngoài phổi thường biến chứng chậm hơn sau sơ nhiễm lao. Có nhiều dạng lao ngoài phổi, như lao cột sống, giai đoạn đầu trẻ có biểu hiện đau vùng cột sống rồi từ từ gù lưng; lao xương khớp trẻ bị sưng đau khớp và chảy mủ ở xương khớp rò ra ngoài da; lao hạch nổi hạch từng chùm, dính, nếu để muộn sẽ gây rò mủ làm sẹo xấu; lao ruột đi tiêu lỏng hoặc đi tiêu ra đờm, máu kéo dài.

Ðể phòng bệnh lao cho trẻ, sau khi sinh, trẻ phải được tiêm vắc xin phòng bệnh lao; phụ huynh cần bổ sung dinh dưỡng cho trẻ hợp lý, đầy đủ để phát triển khỏe mạnh; giữ vệ sinh nơi ở, nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng mát; nếu gia đình có người bị mắc bệnh lao thì cần tránh không để trẻ tiếp xúc gần gũi với người bệnh. Khi trẻ có triệu chứng nghi bị lao, như ho sốt kéo dài, sút cân hoặc không lên cân, ra mồ hôi trộm… cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top