Không chủ quan với lao kháng thuốc

08:44 - Thứ Ba, 15/08/2023 Lượt xem: 6271 In bài viết

ĐBP - Lao kháng thuốc là tình trạng vi khuẩn lao kháng lại thuốc chống lao, khiến việc điều trị rất khó khăn. Ðiều nguy hiểm là bản thân người bệnh trở thành nguồn lây lan vi khuẩn lao kháng thuốc cho cộng đồng. Vì vậy, người bệnh cần kiên trì điều trị theo phác đồ để tránh nguy cơ kháng thuốc, dẫn đến hậu quả nặng nề.

Bệnh nhân điều trị bệnh lao kháng thuốc tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Bà Lường Thị Chiến, 64 tuổi, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) phát hiện mắc lao kháng thuốc trong lần thứ 2 vào Bệnh viện Phổi tỉnh điều trị bệnh. Khoảng một tháng trước khi vào viện, bà Chiến ho khạc đờm nhiều, đờm đặc, kèm theo khó thở, nhiều khi phải gắng sức để thở, người mệt mỏi, cảm giác gai rét ớn lạnh về chiều, sút cân, ở nhà tự ý dùng kháng sinh nhưng không đỡ nên đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán bị lao phổi và lao kháng thuốc. Với tình trạng lao kháng thuốc, theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bà Chiến phải điều trị lâu dài mới có thể khỏi bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Ðức Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh cho biết: Lao kháng thuốc là một thể bệnh nguy hiểm, xảy ra khi vi khuẩn lao kháng với thuốc dùng điều trị bệnh lao, tức là thuốc không thể giết chết vi khuẩn lao. Thực tế, có nhiều bệnh nhân không tuân thủ theo đúng phác đồ, thời gian điều trị, khi thấy đỡ đã tự ý dừng thuốc, sau đó bệnh trở nặng, dẫn đến lao kháng thuốc. Cũng có khi lao kháng thuốc xảy ra khi người bệnh dùng phải thuốc kém chất lượng; hoặc thầy thuốc kê đơn không đảm bảo. Có trường hợp bệnh nhân là người chưa từng mắc lao nhưng ngay ở lần đầu tiên có thể nhiễm lao kháng thuốc.

 Lao kháng thuốc thường gặp ở người không dùng thuốc lao đều đặn, không uống tất cả thuốc lao của họ; bị lao trở lại sau khi đã được điều trị lao, sống gần với người bị lao kháng thuốc. Khi người mắc lao điều trị không tốt sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, tiếp theo sẽ dẫn tới đa kháng thuốc và nặng nhất là siêu kháng thuốc. Lao kháng thuốc khiến việc điều trị tốn kém hơn rất nhiều lần; tỉ lệ khỏi bệnh chỉ khoảng 50 - 70% trong tổng số người mắc và có nguy cơ tử vong cao.

Biểu hiện lâm sàng của lao kháng thuốc là người bệnh khi đang điều trị lao nhưng các triệu chứng sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm hoặc thuyên giảm một thời gian rồi xuất hiện trở lại với các triệu chứng tăng lên, người bệnh tiếp tục sút cân. Biểu hiện cận lâm sàng khi xét nghiệm kháng sinh đồ cho kết quả kháng thuốc với các thuốc chống lao hàng 1, hàng 2; xét nghiệm AFB, nuôi cấy dương tính liên tục hoặc âm tính một thời gian rồi dương tính trở lại hoặc âm tính, dương tính xen kẽ ở người đang điều trị lao; hình ảnh tổn thương trên phim X-quang phổi không thay đổi hoặc xuất hiện thêm tổn thương mới trong quá trình điều trị đúng phác đồ có kiểm soát. Trường hợp lao kháng thuốc phát hiện ở người chưa bao giờ mắc lao, hình ảnh tổn thương trên phim X-quang có thể không khác biệt so với bệnh lao thông thường.

Ðể phòng ngừa lao kháng thuốc, bác sĩ Vinh khuyến cáo người bệnh trong quá trình điều trị, kể cả khi hết triệu chứng, bệnh nhân vẫn phải tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị, không được bỏ liều và không được ngưng điều trị sớm. Nếu có vấn đề khi dùng thuốc, bệnh nhân phải báo ngay với bác sĩ; tránh tiếp xúc với bệnh nhân lao kháng thuốc ở những nơi đông đúc, không gian kín. Ngay khi có triệu chứng nghi lao người bệnh cần đi khám để được phát hiện sớm và điều trị đúng thuốc, đủ thời gian.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top