Thận trọng với những ca bệnh tay chân miệng không điển hình

15:27 - Thứ Hai, 21/08/2023 Lượt xem: 5668 In bài viết

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 49.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 16 trường hợp tử vong.

So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tay chân miệng gia tăng. Theo Bộ Y tế, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Mới đây, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã điều trị thành công cho bệnh nhân bị suy hô hấp nặng do biến chứng của bệnh tay chân miệng. Bệnh nhi là bé PMN (sinh năm 2022, trú tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng viêm phổi suy hô hấp, kèm theo biểu hiện tay chân miệng không điển hình.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội).

Diễn biến sau một ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu chuyển độ nặng của bệnh tay chân miệng: Mạch nhanh 200 lần/phút, sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, suy hô hấp tiến triển, huyết áp tăng. Bệnh nhân được thở máy hỗ trợ hô hấp và điều trị theo phác đồ bệnh tay chân miệng độ 3, được dùng các thuốc hỗ trợ tim mạch, hạ áp... Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã được rút ống nội khí quản, 4 ngày sau, bệnh nhân đã hồi phục.

Bác sĩ Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) chia sẻ: “Đây là ca bệnh tay chân miệng dấu hiệu không điển hình, diễn biến nhanh và nặng, ngoài điều trị bằng những phương pháp thông thường còn cần dùng thêm các thuốc đặc biệt như IVIG, Milrinone,... kết hợp sử dụng máy móc hỗ trợ hô hấp, kiểm soát động mạch liên tục, kiểm soát nhịp tim. Với các căn bệnh nhiễm virus cấp tính này, tình trạng chuyển độ có thể tiến triển rất nhanh, gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Bởi vậy, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý tới những dấu hiệu của bệnh”. Bác sĩ Hoàng Văn Kết cũng lưu ý, trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể chuyển độ bất cứ lúc nào. Do đó, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên chủ quan khi thấy con có những biểu hiện như lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, mông, gối...; cần đưa trẻ đi khám để xác định bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp.

Ngay cả khi trẻ đã được khám, có chẩn đoán theo dõi bệnh tay chân miệng độ nhẹ được kê đơn điều trị ngoại trú, cha mẹ cũng cần theo dõi sát. Khi có bất kỳ dấu hiệu chuyển độ nào như sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, quấy khóc vô cớ, nôn nhiều, giật mình nhiều, run/yếu chi,... hay các dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế tái khám để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể dẫn đến các di chứng thần kinh, tim mạch vĩnh viễn, thậm chí tử vong.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa đặc hiệu. Vì vậy, phòng lây nhiễm là rất quan trọng: Hạn chế tối đa tiếp xúc giữa trẻ đã nhiễm bệnh và những trẻ khác; vệ sinh tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ; vệ sinh đồ chơi và dụng cụ dùng chung. Chú ý chăm sóc trẻ, bảo đảm vệ sinh và dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng để trẻ có miễn dịch tốt, giúp hạn chế nguy cơ mắc và bội nhiễm các bệnh truyền nhiễm.

Theo qdnd.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top