Tháo gỡ khó khăn cho tuyến y tế cơ sở - Bài 1: Tuyến trên quá tải, tuyến dưới “bỏ không”

16:51 - Thứ Ba, 22/08/2023 Lượt xem: 6632 In bài viết

Thực trạng khó khăn của hệ thống y tế cơ sở phần nhiều đến từ sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạn chế về chất lượng chuyên môn, người bệnh chưa tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh nên thường vượt tuyến. Hậu quả là các cơ sở y tế tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải, còn tuyến cơ sở thì “bỏ không”, lãng phí.

Với hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên cả nước, mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) được kỳ vọng là tuyến đầu vững chắc, “mắt xích” đầu tiên và quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ứng phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, cộng với chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh, đồng thời, do trang thiết bị, nhân lực còn nhiều hạn chế đã dẫn đến tuyến YTCS chưa thể hiện được vai trò, vị trí của mình. Vấn đề đặt ra là cần có hướng đi phù hợp, giải quyết bất cập, hạn chế, tạo lập mạng lưới YTCS vững chắc, trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân.

Sốt, ho cũng... lên tuyến trên

Hệ thống y tế ở nước ta có mạng lưới rộng khắp, gần 99% số xã, phường và thị trấn đã có trạm y tế; 87,5% số trạm có bác sĩ; 97% trạm có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% số thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%. Lẽ ra với mạng lưới y tế rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân phải được triển khai hiệu quả, sâu rộng. Tuy nhiên, hệ thống YTCS chưa đạt được sự kỳ vọng của người dân.

Bác sĩ Trung tâm y tế huyện Minh Hóa kiểm tra sức khỏe bệnh nhân.

TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) tập trung khá nhiều bệnh viện nên nhiều trạm y tế trở thành nơi chỉ để tổ chức phun thuốc khử khuẩn, thuốc diệt muỗi khi có dịch sốt xuất huyết; để tiêm vaccine hay cấp phát thuốc bảo hiểm y tế. Theo tìm hiểu của chúng tôi, TP Thanh Hóa hiện có 34 trạm y tế xã, phường. Công tác khám, chữa bệnh ở một số trạm y tế trên địa bàn thành phố hiện gặp nhiều khó khăn, lượng bệnh nhân đến điều trị tại các trạm khá thấp.

Đơn cử, phường Quảng Thành với số dân 14.000 người nhưng lượng bệnh nhân đến khám tại trạm y tế phường trung bình chỉ 100-150 người/tháng. Đưa ra nguyên nhân khiến lượng bệnh nhân đến thăm khám ở mức khá thấp, đồng chí Trịnh Sỹ Thống, Trưởng trạm Y tế phường Quảng Thành cho rằng, chủ yếu là do cơ sở vật chất tại trạm xuống cấp, trang thiết bị chỉ ở mức cơ bản, không bảo đảm cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Không chỉ ở các khu vực trung tâm, thành thị mà ngay cả vùng sâu, vùng xa như xã Phú Lũng, huyện Yên Minh (Hà Giang), người dân cũng không mặn mà với tuyến YTCS. Trạm Y tế xã Phú Lũng có một nữ hộ sinh, nhưng từ đầu năm 2023 đến nay mới đỡ đẻ cho một sản phụ.

Tình trạng này cũng xảy ra tại Trạm Y tế xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Đây là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện, địa hình đồi núi, đường sá đi lại khó khăn, vào mùa mưa lũ thường bị chia cắt hoàn toàn. Tuy nhiên, khi người dân có vấn đề về sức khỏe, trạm y tế không phải là lựa chọn đầu tiên. Bác sĩ Đinh Xuân Thái, Trưởng trạm Y tế xã Trọng Hóa cho biết: “Hiện nay, trạm y tế xã rơi vào cảnh vắng bóng bệnh nhân. Có khi cả ngày không có nổi một người đến khám. Chỉ khi có lịch tiêm chủng mở rộng thì mới có người đến tiêm. Các nhà thuốc, phòng khám mọc lên khá nhiều nên cho dù trạm y tế có cấp phát thuốc miễn phí, người dân cũng không mặn mà đến khám và lấy thuốc”.

Nhà cách trung tâm y tế huyện chưa đầy 3km nhưng đều đặn mỗi tháng, chị Hồ Thị Lý ở thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vẫn đi xe khách lên bệnh viện tỉnh để khám, chữa bệnh. Chị Lý chia sẻ: "Từ trước đến nay, tôi chưa từng đến trung tâm y tế huyện để khám bệnh chứ chưa nói đến trạm y tế xã, mặc dù nhà tôi cách bệnh viện tỉnh gần 100km. Không chỉ riêng tôi, người dân trên địa bàn cũng ít khi đến trung tâm y tế huyện. Cứ mỗi khi nóng sốt, đau ốm, tôi đều đi xe khách lên bệnh viện tỉnh để khám. Biết là đường xa, đi lại cũng khó khăn nhưng tôi thấy điều kiện ở bệnh viện tỉnh tốt hơn, tay nghề của bác sĩ cũng cao hơn nên yên tâm hơn”. 

Để kiểm chứng lời nói của chị Hồ Thị Lý, chúng tôi đã "thực mục sở thị" một ngày làm việc bình thường tại phòng khám đa khoa của Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa. Khác với không khí ồn ào, náo nhiệt, quá tải ở các bệnh viện tuyến trên là không khí trầm lắng, ảm đạm vì rất ít bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện.

Vào lúc 10 giờ mà cả phòng khám chỉ có một bệnh nhân đang ngồi để chờ kiểm tra sau khi tiêm phòng vì bị chó dại cắn. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cho biết: “Mỗi ngày có khoảng 20 người đến trung tâm khám và lấy thuốc. Các phòng chức năng, các trang thiết bị y tế và thuốc cơ bản được trang bị đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, tuy nhiên người dân vẫn chưa thực sự có lòng tin với YTCS”.

Về vấn đề này, đồng chí Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết: “Định kiến của người dân coi nhẹ tuyến YTCS cùng chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ đã làm giảm hiệu quả hoạt động của tuyến y tế này. Kinh phí y tế bị hạn chế cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của tuyến YTCS tại Quảng Bình. Kinh phí có thể bị hạn chế vì nhiều nguyên nhân, bao gồm sự thiếu hụt nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước hoặc thiếu hụt nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân. Điều này có thể gây ra tình trạng thiếu vật tư y tế và thiếu nhân lực y tế, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cung cấp các dịch vụ y tế đầy đủ, chất lượng đến người dân”.

Cơ sở vật chất xuống cấp

Bên cạnh vấn đề về chất lượng, năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ thì vấn đề về cơ sở hạ tầng cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trạm y tế. 

Trạm y tế xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) xuống cấp, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, đến nay vẫn còn khoảng 20% trạm y tế chưa được xây dựng hoặc chưa được sửa chữa để bảo đảm theo đúng các quy định. Về năng lực của tuyến YTCS, chỉ có khoảng 48,4% trạm y tế bảo đảm thực hiện được 80% dịch vụ y tế cơ bản của tuyến xã, đây là một thực tế xảy ra ở khá nhiều nơi, kể cả ở các tỉnh, thành phố lớn.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Xuân Nam, Bí thư Huyện ủy Yên Minh (Hà Giang) chia sẻ: “Ở Yên Minh có những xã cách cơ sở y tế huyện hàng trăm ki-lô-mét nên sức khỏe của người dân chủ yếu dựa vào các trạm y tế xã. Trạm y tế xã còn là chỗ dựa về chuyên môn của y tế thôn, bản.

Tuy nhiên, tuyến YTCS của huyện Yên Minh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được số giường bệnh theo kế hoạch cũng như nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; trang thiết bị phục vụ công tác khám, chẩn đoán, điều trị bệnh cũng còn hạn chế; kinh phí chi cho hoạt động khám, chữa bệnh thấp so với nhu cầu; việc xử lý rác thải y tế, chống nhiễm khuẩn... cũng đầu tư chưa đồng bộ”.

Tại Quảng Bình, 15 xã thuộc các huyện miền núi có trạm y tế cần phải đầu tư. Trong đó, một số trạm y tế đã có nguồn vốn và tiến hành xây mới, sửa chữa, tuy nhiên một số trạm khác mặc dù đã hư hỏng, xuống cấp nặng nhưng chưa thể sửa chữa hoặc xây mới vì thiếu vốn.

Ví như Trạm Y tế xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa). Đây là trạm y tế sát khu vực cửa khẩu, được xây dựng từ năm 2005 với hai tầng và 12 phòng chức năng. Sau hơn 18 năm sử dụng, nhiều hạng mục của trạm đã xuống cấp, hư hỏng: Tường vữa bong tróc, đường dây điện không bảo đảm, hệ thống tường bao có thể đổ sập bất cứ lúc nào... Mỗi khi trời mưa, trần nhà bị dột khiến cho việc khám, chữa bệnh, bảo quản thuốc và trang thiết bị y tế rất khó khăn.

Bác sĩ Hồ Văn Khăm, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Dân Hóa cho biết: “Tình trạng xuống cấp của Trạm Y tế xã Dân Hóa đã diễn ra từ lâu. Hình ảnh cơ sở vật chất hư hỏng đã tạo ấn tượng xấu trong mắt người dân, khiến người dân không tin tưởng khi đến đây khám, chữa bệnh. Cơ sở vật chất xuống cấp cũng gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn”.

Về vấn đề này, PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế) cho biết: “Mặc dù được quan tâm đầu tư nhiều hơn trong thời gian gần đây nhưng hạ tầng kỹ thuật của mạng lưới YTCS vẫn còn nhiều hạn chế. Số liệu thống kê cho thấy, nhu cầu nâng cấp hạ tầng kỹ thuật của mạng lưới YTCS còn tương đối lớn. Trang thiết bị y tế của mạng lưới YTCS cũng cần tiếp tục được bổ sung và thay thế. Một vấn đề tồn tại nữa là sự sẵn có thuốc thiết yếu phục vụ khám, chữa bệnh của mạng lưới YTCS, đặc biệt là trạm y tế hiện rất hạn chế, mới bảo đảm cung cấp 40% thuốc theo danh mục quy định”. 

(còn nữa)

Theo qdnd.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top