Phòng tránh côn trùng xâm nhập vào thực phẩm

09:21 - Thứ Ba, 29/08/2023 Lượt xem: 5787 In bài viết

Trong quá trình kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ngoài việc xem xét hồ sơ pháp lý, nguồn gốc thực phẩm, điều kiện cơ sở vật chất, quy trình chế biến…, cơ quan chức năng còn tập trung đánh giá các biện pháp ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Bởi nếu những sinh vật như: Gián, kiến, ruồi, chuột… xâm nhập vào thực phẩm sẽ mang theo nhiều mầm bệnh cho con người.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra bếp ăn của Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam. Ảnh: Xuân Lộc

Nơi nghiêm túc, chỗ thờ ơ

Mới đây, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam (địa chỉ ở lô N-7 Khu công nghiệp Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Tại thời điểm kiểm tra, khu vực bếp ăn được đầu tư cơ sở vật chất tốt, trang thiết bị đầy đủ. Ngoài ra, bếp ăn được bố trí theo nguyên tắc phân khu riêng biệt, từ khu nhập nguyên liệu cho đến khu sơ chế, chế biến và thành phẩm.

Đặc biệt, qua kiểm tra, Phó Trưởng phòng Chuyên môn, nghiệp vụ (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) Đỗ Anh Hùng đánh giá cao việc khay, đĩa, dụng cụ được bảo quản sạch sẽ trong tủ nhôm có cánh kín. Đồng thời khu vực bếp ăn còn được trang bị hệ thống cửa hai lớp (gồm lớp kính và lớp lưới) để phòng tránh côn trùng xâm nhập.

Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng chú trọng đến việc áp dụng các biện pháp ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại xâm nhập. Tại thời điểm kiểm tra đột xuất nhà hàng Manten (ở số 49 phố Linh Lang, phường Cống Vị, quận Ba Đình), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phát hiện, khu vực chế biến không tuân theo quy trình một chiều, chưa phân khu thực phẩm chín - sống riêng biệt; tủ đựng bát đĩa không có lưới chống côn trùng xâm nhập.

Còn trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 (ngày 15-4 đến 15-5), qua kiểm tra bếp ăn tập thể Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mỹ Đức, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội đã phải nhắc nhở nhà trường cần lắp lưới chắn côn trùng tại khu vực phòng ăn…

“Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập” cũng là lỗi vi phạm được đoàn kiểm tra liên ngành của các địa phương phát hiện và xử phạt nhiều trong thời gian qua. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, tại các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể cần tăng cường các biện pháp phòng tránh côn trùng, sinh vật có hại như: Chuột, gián, kiến, ruồi, muỗi… Bởi tất cả côn trùng, sinh vật này khi xâm nhập vào thực phẩm đều có thể mang theo vi khuẩn, mầm bệnh từ những chất thải, bãi rác… nơi mà chúng đi qua.

Đơn cử như chuột, không chỉ phá hoại mùa màng, lương thực, thực phẩm, chúng còn là mầm mống của nhiều bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho con người. Các nghiên cứu cho thấy, 1 con chuột có thể gây ra 35 bệnh, như: Dịch hạch, bệnh do vi rút Hantavirus, vàng da xuất huyết, bệnh do vi khuẩn Salmonella... Một số triệu chứng do Salmonella gây ra là tiêu chảy, ói mửa, buồn nôn.

Ngoài chuột thì gián cũng là trung gian truyền và phát tán một số loại bệnh. Cụ thể, gián có thể mang trong mình vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm gây bệnh và truyền chúng thông qua tiếp xúc khi bò vào thức ăn.

Những bệnh truyền qua gián có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, như: Tả, tiêu chảy, kích ứng, nhiễm ký sinh trùng như giun, sán... Giống như gián, ruồi cũng là loài côn trùng trung gian truyền các bệnh đường ruột, như: Kiết lỵ, tiêu chảy, thương hàn, tả và một số bệnh giun sán, nhiễm trùng mắt, một số bệnh ngoài da…

Không lựa chọn cơ sở thiếu an toàn thực phẩm

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian qua, việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã giúp công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực.

Quá trình kiểm tra cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm về cơ bản đã chấp hành nghiêm các quy định của Luật An toàn thực phẩm và các quy định về quy trình chế biến thực phẩm. Còn đối với những cơ sở chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc vệ sinh, an toàn thực phẩm, điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm, chưa có biện pháp phòng, chống côn trùng xâm nhập, các đoàn kiểm tra đã yêu cầu chấn chỉnh kịp thời.

“Quan điểm chung của chúng tôi là qua các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất sẽ kịp thời chấn chỉnh từ những vi phạm nhỏ nhất. Các cơ sở cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã, các đơn vị cần phải tăng cường tổ chức các lớp tập huấn cho những người kinh doanh, chế biến thực phẩm để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng không nên dễ dãi khi lựa chọn thực phẩm. Thay vào đó, cần tạo thói quen từ chối dịch vụ của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn”, ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, khi bước chân vào bất kỳ quán ăn nào, nếu cảm quan thấy nơi đó nhếch nhác, không sạch sẽ, khu vực chế biến, bày bán thực phẩm tạm bợ… thì không nên lựa chọn. Khi phát hiện những cửa hàng, quán ăn không bảo đảm an toàn, vệ sinh, người tiêu dùng sẽ truyền tai nhau để phòng tránh. Như vậy, các quán hàng đó không khác gì tự... “tiêu diệt” chính mình.

“Bản thân mỗi người bán hàng, mỗi người chế biến thực phẩm cần có trách nhiệm với thực khách. Khi phục vụ khách với đúng lương tâm và trách nhiệm, bảo đảm thực phẩm tươi, ngon, sạch sẽ thì quán hàng đó mới phát triển và tồn tại được lâu dài”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh phân tích.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top