Chủ động phòng bệnh sán dây lợn

09:08 - Thứ Ba, 12/09/2023 Lượt xem: 6144 In bài viết

ĐBP - Bệnh sán dây lợn là bệnh nhiễm ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do tập quán ăn thịt lợn chưa nấu chín, uống nước bị ô nhiễm có chứa ấu trùng sán hoặc trứng sán dây. Bệnh dễ điều trị nhưng cũng gây nguy hiểm khi sán tấn công vào tim, não, ảnh hưởng đến sức khỏe và để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh nhân điều trị sán dây lợn tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Ða khoa tỉnh).

Chị Lò Thị Phượng, 38 tuổi, xã Pú Hồng (huyện Ðiện Biên Ðông) nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) trong tình trạng đau đầu nhiều, hoa mắt, buồn nôn, nôn khan, tê bì chân tay, người mệt mỏi, ăn uống kém, đau tức ngực, phù nhẹ 2 chân, đau bụng vùng hạ vị, đi ngoài phân có đốt sán. Sau khi bác sĩ thăm khám, chị Phượng được chẩn đoán mắc bệnh sán dây lợn.

Chị Phượng cho biết: “Khoảng 1 tháng trước khi vào viện, tôi xuất hiện tình trạng đau đầu nhiều, hoa mắt, người mệt mỏi kèm theo đi vệ sinh phân có đốt sán. Lúc mới đầu thì cứ nghĩ mình bị đau đầu do thời tiết thay đổi, đến khi không đi vệ sinh cũng ra đốt sán, ngày ra nhiều lần mới vào viện điều trị. Vì chưa bị sán bao giờ nên tôi chủ quan hay ăn đồ tươi sống như tiết canh, gỏi cá, lạp sống. Sau lần này, tôi sẽ chú ý ăn uống hơn; nhất định phải ăn chín, uống sôi. Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng của tôi đã đỡ hơn”.

Bác sĩ Bùi Quang Thắng, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: Tất cả mọi người đều có khả năng mắc bệnh sán dây lợn. Khi bị nhiễm sán dây lợn, người bệnh có thể mắc sán dây lợn trưởng thành hoặc ấu trùng sán dây lợn với các đặc điểm khác nhau tùy theo từng trường hợp. Bệnh sán dây lợn trưởng thành do người bệnh ăn phải thịt lợn có ấu trùng sán chưa được nấu chín. Ấu trùng sán vào ruột nở ra con sán dây trưởng thành, ký sinh ở ruột và gây bệnh. Người mắc sán dây lợn thường không có biểu hiện triệu chứng gì đặc biệt; có thể bị đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, đau vùng thượng vị, đi đại tiện phân lỏng từng đợt, chán ăn, ăn không ngon hoặc ngược lại có khi đói bụng cồn cào, ăn nhiều, sút cân, rối loạn tiêu hóa... Những triệu chứng này thường biểu hiện rõ khi sán ở giai đoạn đang trưởng thành. Khi sán bắt đầu rụng các đốt già theo phân ra ngoài thì các biểu hiện lâm sàng càng giảm đi. Bệnh ấu trùng sán dây lợn do người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn; sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt...

Trường hợp người bệnh có con sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ giống như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn. Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí kí sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy những u nhỏ, chắc, kích thước bằng hạt đỗ, hạt lạc, di dộng dễ, không ngứa, không đau; nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hoặc liệt nửa người, rối loạn trí nhớ, đau đầu dữ dội. Nang sán ở trong mắt có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù. Nang sán ở cơ tim, có thể làm tim đập nhanh, khó thở, ngất xỉu...

Ðể phòng bệnh, bác sĩ Thắng khuyến cáo, mọi người cần thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn các thức ăn sống từ lợn, như tiết canh, thịt lợn tái hoặc chưa nấu chín (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ bệnh ấu trùng sán lợn), khi ăn rau sống phải rửa sạch... Quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường. Khi có những biểu hiện của sán dây lợn cần đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top