Hậu quả đau lòng vì chủ quan với sốt xuất huyết

15:18 - Thứ Năm, 14/09/2023 Lượt xem: 4583 In bài viết

Trong nửa tháng qua, Hà Nội ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết. Với những diễn biến khó lường, nguy hiểm, người mắc sốt xuất huyết có thể biến chứng nặng, nguy kịch, thậm chí tử vong nếu chủ quan. Đặc biệt, khi bị sốt, một số người tự mua thuốc điều trị và truyền dịch tại nhà, không đến cơ sở y tế thăm khám và đã tử vong.

Trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận gần 1.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại cả 30 quận, huyện, thị xã và 67 ổ dịch mới, tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều ổ dịch tại Thủ đô và chỉ trong nửa tháng qua đã có 3 người tử vong.

Nam bệnh nhân bị sốc sốt xuất huyết đang được các bác sĩ Bệnh viện 19/8 điều trị hồi sức tích cực bằng kỹ thuật lọc máu.

Theo Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), thời gian gần đây, số người đến khám và nhập viện do sốt xuất huyết gia tăng, có thời điểm Khoa Truyền nhiễm kín giường điều trị. Đặc biệt, nhiều ca khi vào nhập viện đã ở tình trạng nặng và rất nặng, nguy kịch tới tính mạng. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ThS.BS Bùi Nam Phong, Trưởng Khoa Điều trị tích cực và Chống độc – Bệnh viện 19/8 cho biết, ngày 12/9 Khoa tiếp nhận nam bệnh nhân sốc sốt xuất huyết, suy đa tạng nguy kịch vào điều trị. Bệnh nhân tiên lượng rất nặng, các bác sĩ đang từng giây, từng phút hồi sức tích cực bằng kỹ thuật hiện đại là đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu để giành giật sự sống cho người bệnh. 

Đây là ca bệnh nguy kịch thứ 2 chỉ trong hơn 1 tuần qua mà Khoa Điều trị tích cực và Chống độc Bệnh viện 19/8 tiếp nhận. Trước đó, bệnh viện vừa cứu sống nam bệnh nhân Nguyễn Văn T. (32 tuổi, Hà Nội) bị sốc sốt xuất huyết mức độ nặng, suy đa tạng. Gia đình bệnh nhân đã có lúc định xin cho bệnh nhân về vì nghĩ rằng bệnh nhân không thể qua khỏi”, BS Phong cho biết.

Để cứu sống người bệnh, các bác sĩ Bệnh viện 19/8 đã áp dụng các phương pháp hồi sức tích cực hiện đại nhất, theo dõi bệnh nhân sát sao liên tục 24/24 để có những chỉ định truyền máu, sử dụng thuốc phù hợp. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, tự thở oxy. Những ngày sau, bệnh nhân hồi phục đáng kể, nhất là tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, tình trạng rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu cũng được cải thiện nhanh chóng.

Theo đánh giá của BS Chu Đức Thành – bác sĩ điều trị chính cho bệnh nhân, đây là một ca bệnh có sự hồi phục kỳ diệu.

Trong 3 ca mắc sốt xuất huyết tử vong ở Hà Nội, có 2 bệnh nhân nữ không có bệnh nền, đặc biệt ca tử vong mới đây nhất chỉ có 20 tuổi ở huyện Quốc Oai. Nữ bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau người vào ngày 28/8 và tự mua thuốc uống tại nhà. Ba ngày sau đó, gia đình mời nhân viên y tế đến nhà truyền dịch cho bệnh nhân. Xét nghiệm cho kết quả dương tính với sốt xuất huyết Dengue NS1. Đến 5h ngày 3/9, bệnh nhân có biểu hiện tức ngực, khó thở, mệt mỏi, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai. 22h ngày 3/9, tình trạng bệnh nhân không cải thiện và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Mặc dù được điều trị tích cực, đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu, duy trì thuốc vận mạch nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân tử vong vào ngày 4/9.

Các chuyên gia y tế đã cảnh báo nhiều về việc khi mắc sốt xuất huyết không tự ý đến các cơ sở y tế tư nhân truyền dịch, thậm chí thuê người đến truyền dịch tại nhà. Tuy đã có trường hợp tử vong khi mắc sốt xuất huyết tự ý truyền dịch tại nhà, song theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, người mắc sốt xuất huyết, người sốt cao thường nghĩ truyền dịch, bù dịch sẽ tốt, nhưng đó là sai lầm. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.

Để tránh những biến chứng khó lường của sốt xuất huyết, BS Chu Đức Thành khuyến cáo, người mắc sốt xuất huyết thường biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi trong 3 ngày đầu. Ngày thứ 3 đến thứ 5 có thể giảm sốt nhưng đây cũng là giai đoạn nguy hiểm của bệnh, bởi có thể xảy ra giảm tiểu cầu nặng gây các triệu chứng xuất huyết hoặc hội chứng thoát huyết tương. Nếu không kịp thời điều trị sẽ dẫn đến hội chứng sốc sốt xuất huyết Dengue gây tổn thương suy đa phủ tạng, viêm phổi nặng. Vì vậy, khi bị sốt cao, người dân cần đến cơ sở y tế thăm khám, xét nghiệm và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, khi có dấu hiệu cảnh báo như: Đau bụng, buồn nôn, nôn liên tục, chảy máu lợi và chân răng, nôn ra máu, thở nhanh, mệt mỏi bồn chồn là biểu hiện của sốt xuất huyết chuyển nặng, cần phải đưa người bệnh tới ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top