Sáng 19-9, tại hội nghị chia sẻ thông tin cho báo chí nhân “Tuần lễ làm mẹ an toàn” năm 2023 diễn ra tại Hà Nội, ông Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) thông tin, mỗi ngày, cả nước có 39 trẻ sơ sinh tử vong.
Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trong 11 năm qua (từ năm 2011-2022), công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì từ 95-97%. Ngoài ra, tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ duy trì từ 75-80%.
Dù vậy, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9 phần nghìn, dưới 1 tuổi là 12,1 phần nghìn (nghĩa là cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi và 1 tuổi thì lần lượt có khoảng 19 và 12 trẻ tử vong). Con số này còn cao so với một số nước cùng mức thu nhập. Cụ thể, ở Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8 phần nghìn. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức 1-2 phần nghìn.
Theo ông Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe - Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), chỉ số này còn “khoảng cách khá xa” với Việt Nam và chúng ta khó đạt được, dù đây là con số thấp nhất từ năm 1990 trở lại đây.
Bên cạnh đó, ở nước ta cứ 100 trẻ dưới 1 tuổi tử vong thì tới có 70-80 trẻ sơ sinh; tỷ lệ này với trẻ dưới 5 tuổi là 50-60. “Mỗi ngày có 39 trẻ sơ sinh ở Việt Nam tử vong, ngành y tế đang cố gắng áp dụng các biện pháp can thiệp để giảm chỉ số này”, ông Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân đầu tiên trong các thách thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em là thiếu trầm trọng nhân lực. Cụ thể là cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức hiện đang rất thiếu. Có 30% bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tuyến huyện.
Bên cạnh đó, năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh như: Sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí còn hạn chế ở những vùng khó khăn…
Đặc biệt, ở vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, việc duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp khó do y tế thôn bản hay cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Điển hình như ở Tuyên Quang, có 250 cô đỡ thôn bản/y tế thôn bản cho 46 xã vùng sâu, vùng xa, nhưng hiện chỉ còn 7 cô đỡ thôn bản còn hoạt động.
Chính vì vậy, Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2023 diễn ra từ ngày 1 đến 7-10 với chủ đề “Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé”. Chương trình triển khai tại 51 tỉnh thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu chương trình là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.