Phòng bệnh thời điểm giao mùa

09:39 - Thứ Ba, 26/09/2023 Lượt xem: 5387 In bài viết

ĐBP - Thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người, lây lan trong cộng đồng. Một số bệnh thường gặp thời điểm này là bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới, các bệnh về đường tiêu hóa... Vì vậy, cần chủ động phòng bệnh nhất là ở người cao tuổi, trẻ nhỏ để tránh bệnh diễn tiến nặng.

Trẻ điều trị bệnh viêm phổi tại Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên.

Trong những ngày qua, tại Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên trung bình mỗi ngày có gần 100 trường hợp đến khám các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, cúm, sốt vi rút, tiêu chảy... chủ yếu là người cao tuổi, trẻ em. Ðang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên, ông Lò Duy An, 67 tuổi, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) chia sẻ: “Mấy ngày gần đây, thời tiết thay đổi, sáng sớm lạnh, đến trưa lại nắng nên tôi bị ho, tức ngực, khó thở phải nhập viện điều trị. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm phổi, điều trị gần 5 ngày cũng đã đỡ hơn nhiều rồi…”.

Chăm sóc cháu trai 3 tuổi đang điều trị viêm phế quản phổi, suy hô hấp độ II tại Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên, bà Vừ Thị Mùa, xã Na Tông (huyện Ðiện Biên) cho biết: “Cháu bị ho, chảy nước mũi, sốt, ở nhà mẹ cháu cho uống thuốc hạ sốt 3 ngày nhưng không đỡ, đến khi tình trạng nặng hơn ho nhiều từng cơn, ho có đờm, sốt kèm theo thở khò khè thì gia đình lo quá mới cho đi khám và nhập viện. Sau mấy ngày điều trị, tình trạng của cháu đã ổn hơn. Bác sĩ cũng đã hướng dẫn gia đình cách phòng bệnh và nhắc nhở lần sau nếu thấy cháu có triệu chứng ho, sốt kéo dài không đỡ phải đưa đi khám sớm, không để tình trạng như này rất nguy hiểm. Vì cứ khi thời tiết thay đổi là cháu lại bị viêm phế quản phổi nên gia đình sẽ chú ý phòng bệnh cho cháu”.

Bác sĩ Lò Thị Tranh, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức - Nhi - Gây mê phẫu thuật (Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên) cho biết: Hiện nay, bệnh nhi đang điều trị tại khoa chủ yếu mắc viêm phổi, viêm phế quản phổi, tiêu chảy. Giai đoạn chuyển mùa khiến trẻ em, nhất là trẻ em dưới 3 tuổi có hệ miễn dịch chưa phát triển, sức khỏe yếu và những người cao tuổi có bệnh lý mạn tính dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hóa. Bởi vì sự chủ quan của phụ huynh, khi nhập viện, nhiều trường hợp đã viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải hỗ trợ thở oxy. Trường hợp trẻ mắc viêm phổi mà không phát hiện điều trị kịp thời, bệnh nặng rất nhanh, nguy cơ tử vong cao. Mắc viêm phổi, trẻ có triệu chứng như ho, chảy nước mũi, sốt, khó thở, thở rút lõm lồng ngực, chuyển nặng sẽ có một trong các dấu hiệu như, trẻ không bú được, không uống được, cơ thể co giật, ngủ li bì khó đánh thức, thở rít... Ở người cao tuổi, khi mắc viêm phổi thường có các biểu hiện ho, khó thở, khó chịu, đau tức ngực, ho có đờm nhiều, nhưng các triệu chứng thường âm thầm, không điển hình và dễ nhầm với các bệnh lý khác. Người bệnh có thể nghĩ rằng mình chỉ đơn giản là đang bị cảm lạnh hoặc cúm.

Ðể phòng bệnh khi thời tiết giao mùa, bác sĩ Tranh khuyến cáo, với trẻ nhỏ nên tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ theo độ tuổi, đặc biệt là các loại vắc xin có liên quan đến bệnh theo mùa như cúm, phế cầu, sởi... Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng; giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát; hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh. Người cao tuổi cần ăn uống hợp lý, khoa học, vận động điều độ, đi khám bệnh định kì để kiểm soát các bệnh mạn tính. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh đến các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh tự ý mua thuốc điều trị.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top