Đã có vaccine nhưng bệnh bạch hầu vẫn xuất hiện hằng năm, vì sao?

16:20 - Thứ Sáu, 06/10/2023 Lượt xem: 5635 In bài viết

Vi khuẩn bạch hầu có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài lẫn trong cơ thể người bệnh và người lành mang trùng.

Bệnh bạch hầu nguy hiểm, không thể chủ quan

Bệnh bạch hầu đã giảm rõ rệt kể từ khi có vaccine nhưng mới đây, bệnh lại tái xuất ở các tỉnh ở phía Bắc gồm Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang gây ra một số ca tử vong và nhiều ca mắc. Hiện nhiều địa phương trên cả nước đã có công văn khẩn phòng bệnh bạch hầu, khoanh vùng cách ly bệnh đang có nguy cơ bùng phát trở lại sau thời gian dài.

Qua kiểm tra thực tế, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ghi nhận cụm dân cư nơi phát hiện ổ dịch đều tập trung ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế người dân còn khó khăn, nhận thức phòng bệnh hạn chế nên tỷ lệ tiêm chủng rất thấp.

Trong khi đó, việc xác định nguồn lây gặp nhiều khó khăn do ổ chứa vi khuẩn không chỉ ở người bệnh mà còn từ người lành mang trùng. Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể ký sinh cả ngoài môi trường và trong cơ thể người. Các đối tượng mắc bệnh chủ yếu là người lớn và thanh thiếu niên, từ 7 tuổi trở lên. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, miễn dịch có được từ những năm đầu đời sẽ suy giảm theo thời gian, cần tiêm nhắc lại nhưng nhiều người vẫn chưa thực hiện tốt.

 Trẻ học đường được phụ huynh đưa đi tiêm vaccine nhắc lại tại VNVC.

"Bệnh bạch hầu không chừa một ai, đặc biệt trẻ đi học, thanh thiếu niên là đối tượng rất dễ mắc bệnh. Trẻ học tập trong môi trường học đường tiếp xúc đông người. Đồng thời trẻ phải đối mặt với khoảng trống miễn dịch vì khả năng bảo vệ từ các mũi vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà giảm dần theo thời gian", bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết.

Từng được ví là cơn ác mộng trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, bạch hầu gây nhiều đợt dịch khiến hàng nghìn người, nhất là trẻ em tử vong trên thế giới. Hơn 15.000 người Mỹ chết vào năm 1921. Tác nhân gây ra bệnh bạch hầu được xác định là do ngoại độc tố của vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Đây vừa là bệnh nhiễm trùng vừa nhiễm độc có giả mạc ở vòm họng, tuyến hạnh nhân, thanh quản, mũi. Bệnh cũng có thể xâm nhập vào niêm mạc da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh bạch hầu nguy hiểm vì khi vi khuẩn xâm nhập vào bên trong cơ thể có khả năng sẽ gây viêm cơ tim, tổn thương não, liệt cơ hô hấp, tứ chi. Trong đó, tim là bộ phận dễ bị biến chứng nghiêm trọng nhất. Khoảng 30% người bệnh bạch hầu thể nặng có biến chứng viêm cơ tim, loạn nhịp tim, suy tim và tử vong. Tiếp theo là các các biến chứng thần kinh chiếm khoảng 5% trong tổng số ca bệnh nặng. Bệnh có thể gây tổn thương hệ thần kinh ngoại vi và cả hệ thần kinh trung ương.

"Tình trạng bệnh có thể diễn tiến rất nhanh, vì khi vi khuẩn bạch hầu tấn công vùng hầu họng sẽ tạo ra giả mạc. Lớp giả mạc này phình to, gây bít đường thở, suy hô hấp diễn tiến, gây khó khăn trong việc chạy ECMO (tim phổi nhân tạo)", bác sĩ Đào Đỗ Thị Thiên Hương, bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Ai cần tiêm vaccine bạch hầu?

Năm 1923, vaccine phòng bạch hầu được bào chế thành công. Cho đến nay, tiêm vaccine vẫn là biện pháp phòng bệnh an toàn và mang lại hiệu quả nhất được triển khai rộng rãi trên toàn thế giới. Mọi người đều cần vaccine bạch hầu trong suốt cuộc đời, tức là tất cả mọi người cần được tiêm phòng đầy đủ các mũi ở giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và tiêm nhắc lại khi trưởng thành.

Cụ thể:

- Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch non nớt, chưa hoàn thiện, kháng thể từ mẹ truyền sang bị suy giảm nên cần được tiêm vaccine. Trẻ được tiêm 3 mũi vaccine 6 trong 1/5 trong 1 có thành phần phòng bạch hầu tại các thời điểm: 2 tháng; 3 tháng; 4 tháng; đến 16 - 18 tháng tiêm nhắc 1 mũi.

- Từ 4 đến 7 tuổi; từ 9 đến 15 tuổi: Khả năng miễn dịch đối với bệnh bạch hầu gần như không còn kể từ lần được tiêm ngừa trước đó. Song song đó, 2 nhóm tuổi này lại thường xuyên hoạt động trong môi trường học tiếp xúc đông người… dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn nên rất cần được tiêm nhắc lại.

- Trên 50 tuổi: Người lớn tuổi có hệ miễn dịch suy yếu và thường mắc các bệnh lý nền, nếu mắc thêm các bệnh truyền nhiễm dễ dẫn đến nguy cơ gặp biến chứng và tử vong.

- Phụ nữ chuẩn bị mang thai: Vaccine được khuyến cáo cho mẹ bầu tiêm trong ba tháng giữa và ba tháng cuối của thai kỳ để truyền lượng kháng thể thụ động cao cho thai nhi, tăng cường khả năng phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu đời.

- Người trưởng thành: Hiệu quả của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian nhưng điều đáng lo ngại là việc tiêm chủng ở người lớn chưa được chú trọng. Trong khi đó, người lớn có thể mang virus ho gà, bạch hầu và trở thành nguồn lây chính cho các đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu trong gia đình. Do vậy, người trưởng thành cần tiêm nhắc vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván 10 năm/lần.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top