Hà Nội ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên

16:02 - Thứ Hai, 09/10/2023 Lượt xem: 4989 In bài viết

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, TP ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2023 là một bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ.

Ngày 9/10, CDC Hà Nội cho biết, bé trai được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay của Thủ đô xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu, mệt mỏi từ ngày 19/9.

Ngày 25/9, cháu bé được chuyển đến điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây, bệnh nhi được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả dương tính với virus viêm não Nhật Bản.

Trước đó, bệnh nhi này đã tiêm 3 mũi cơ bản vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc viêm não Nhật Bản tại Hà Nội giảm 3 trường hợp. 

Cha mẹ cần tiêm phòng viêm não Nhật Bản đầy đủ, đúng liều cho con để phòng bệnh.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não, do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Đây là virus gây viêm não hàng đầu châu Á, trong đó có Việt Nam.

Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Muỗi truyền viêm não Nhật Bản là muỗi Culex, có thói quen hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du. Đây chính là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta.

Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường là sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Khi bệnh nặng có biểu hiện co giật, giảm khả năng nhận thức (thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê…), rối loạn vận động (liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn).

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, hiện nay đa số trẻ đã được tiêm đầy đủ vaccine viêm não Nhật Bản, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, số khác do chưa tiêm vaccine phòng bệnh, hoặc tiêm không đủ mũi. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3-5 năm/lần đến năm 15 tuổi. 

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top