Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

09:33 - Thứ Ba, 10/10/2023 Lượt xem: 6700 In bài viết

ĐBP - Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Mọi người đều có thể mắc bệnh. Ðến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, thuốc điều trị đặc hiệu; vì vậy, người dân không nên chủ quan, cần chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh để hạn chế mắc và lây lan trong cộng đồng.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Ða khoa tỉnh).

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 8 ca mắc sốt xuất huyết, đều có yếu tố dịch tễ từ tỉnh khác. Ðang điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Ða khoa tỉnh), bệnh nhân Lò Văn Tùng, xã Phu Luông (huyện Ðiện Biên) cho biết: “Ngày 30/9, tôi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, đau bụng, mệt mỏi. Trước đó, tôi đi làm thuê ở Hà Nội, bạn cùng phòng trọ tôi bị sốt xuất huyết, sau khi bạn khỏi thì tôi thấy mình bị sốt cao 4 - 5 ngày nhưng chủ quan, chỉ nghĩ là mình bị cảm cúm nên không đi khám mà mua thuốc điều trị tại nhà. Ðến khi hết sốt, tôi từ Hà Nội về nhà thì xuất hiện tình trạng đau bụng dữ dội, người mệt mỏi không chịu được nên được người nhà đưa vào viện cấp cứu mới biết mình bị sốt xuất huyết. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng của tôi đã đỡ hơn”. Chị Ðặng Thị Ngọc Hà, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) mắc sốt xuất huyết sau khi đi từ Hà Nội về, chị nhập viện điều trị trong tình trạng sốt, sốt cao liên tục, kèm theo đau tức vùng thượng vị, người mệt mỏi, ăn uống kém, xung huyết da toàn thân, tiểu cầu giảm xuống còn 16.

Bác sĩ Bùi Quang Thắng, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: Ðến thời điểm hiện tại, ở tỉnh chưa có ổ dịch sốt xuất huyết, đa số trường hợp mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa là đi từ tỉnh ngoài như Hà Nội, Nam Ðịnh, Bắc Giang về. Bệnh sốt xuất huyết không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi rút sau đó truyền vi rút sang người lành qua vết đốt. Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời sẽ hạn chế được số ca tử vong. Thời gian ủ bệnh ban đầu hầu như không có triệu chứng, sau đó, bệnh nhân sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau cơ, đau mỏi toàn thân, xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa đi ngoài phân đen, lơ mơ… Trường hợp nặng, người bệnh bị sốc hoặc xuất huyết nặng, suy đa tạng, có thể tử vong. Vì vậy, khi bị sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn người dân cần đến cơ sở y tế thăm khám, xét nghiệm và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý điều trị tại nhà.

Ðể làm tốt công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống với sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Ðẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại địa phương, khoanh vùng, xử lý kịp thời. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, hóa chất phòng, chống dịch; bố trí và ổn định nhân lực tham gia hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết; cung cấp thông tin, tập huấn kỹ năng giám sát, xử lý ổ dịch cho nhân viên y tế và các lực lượng khác tham gia công tác phòng, chống dịch ở địa phương.

Trạm Y tế phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) đã tăng cường tuyên truyền tới người dân về các triệu chứng, biến chứng, cách phòng bệnh sốt xuất huyết qua các buổi khám chữa bệnh, truyền thông tại trường học trên địa bàn phường và thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số. Qua đó, người dân đã nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết, trên địa bàn phường không có ca mắc sốt xuất huyết.

Chị Ðặng Thị Vân Anh, tổ 5, phường Thanh Bình cho biết: Ðược tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết và cách phòng chống, tôi và người thân trong gia đình đã chủ động tiêu diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh sạch sẽ nơi sinh sống, phát quang bụi rậm, đổ hết các lu nước, chậu nước khi sử dụng xong, không để muỗi có nơi sinh sản, phát triển, khi đi ngủ phải bỏ màn.

Ðể phòng chống bệnh sốt xuất huyết, cách tốt nhất là chủ động tiêu diệt muỗi vằn, bọ gậy loăng quăng tại nơi sinh sống như: Ðậy kín, chủ động cọ rửa bên trong các dụng cụ chứa nước ít nhất 1 tuần/lần, thả cá ăn bọ gậy vào trong các dụng cụ chứa nước ăn uống sinh hoạt; lật úp các dụng cụ chứa nước (xô, chậu, máng nước...) khi không sử dụng; thu dọn rác, loại bỏ vật phế thải gây đọng nước; giữ gìn vệ sinh môi trường nơi sinh sống, phát quang bụi rậm, ngủ nằm màn tránh muỗi đốt kể cả ban ngày; chủ động phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi…

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top