Cấy ốc tai điện tử cho bé 15 tháng bị điếc bẩm sinh

10:48 - Thứ Hai, 16/10/2023 Lượt xem: 5241 In bài viết

Bệnh nhi 15 tháng tuổi, bị điếc bẩm sinh hai bên, có cha mẹ câm điếc, được bác sĩ cấy ốc tai điện tử để kích thích thần kinh thính giác, phục hồi chức năng nghe và cảm nhận âm thanh.

Ca phẫu thuật nói trên là sự kiện được quan tâm hàng đầu tại hội nghị tai mũi họng và phẫu thuật đầu cổ Đông Nam Á lần thứ 20 do Hội Tai Mũi Họng Việt Nam phối hợp với Liên hiệp Hội Tai Mũi Họng Đông Nam Á tổ chức trong 3 ngày (từ 13-10 đến 15-10) với sự tham gia của gần 2.000 giáo sư, nhà nghiên cứu và bác sĩ hàng đầu đến từ các nước Đông Nam Á, Mỹ, Pháp, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Hội nghị năm nay với chủ đề “Liên hiệp Hội Tai Mũi Họng Đông Nam Á kết nối và thành công”, bàn luận chuyên sâu về lĩnh vực mũi xoang, họng thanh quản, tai thần kinh - thính học, tai mũi họng nhi, phẫu thuật đầu cổ, tạo hình thẩm mỹ và y học giấc ngủ. Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong phẫu thuật ít xâm lấn được chia sẻ và thảo luận như phẫu thuật tai nâng cao (AES), phẫu thuật nội soi tai (EES), cấy ốc tai điện tử và phẫu thuật xương thái dương.

Ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho bệnh nhi 15 tháng tuổi.

Sự kiện được quan tâm hàng đầu tại hội nghị là ca phẫu thuật trình diễn cấy điện cực ốc tai, nằm trong khóa đào tạo phẫu thuật tai nâng cao (AES), được thực hiện bởi ê kíp phẫu thuật Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội và Phó Giáo sư Lokman Saim (Malaysia).

Bệnh nhi mới 15 tháng tuổi, bị điếc bẩm sinh hai bên, có cha mẹ bị câm điếc. Bệnh nhi này được các bác sĩ cấy ốc tai điện tử để kích thích thần kinh thính giác, phục hồi chức năng nghe và cảm nhận âm thanh.

Theo các bác sĩ, cấy ốc tai điện tử là một trong những kỹ thuật khó và phức tạp nhất của chuyên ngành phẫu thuật tai. Phương pháp này đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao về phẫu thuật viên và máy móc hỗ trợ bởi khu vực ốc tai rất nhỏ, chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh. Mặt khác, phòng mổ cần phải được đảm bảo vô trùng tuyệt đối, tích hợp sẵn nhiều thiết bị hiện đại phục vụ tốt nhất cho ca mổ như kính hiển vi thế hệ mới, hệ thống máy thăm dò dây thần kinh, đặc biệt là máy chụp X-quang C-arm ngay trên bàn mổ - một thiết bị quan trọng hỗ trợ bác sĩ kiểm tra chính xác vị trí đặt điện cực.

Giai đoạn quyết định thành bại của ca phẫu thuật cho bệnh nhi nói trên là khi mở cửa sổ ở tầng ốc tai và đưa điện cực vào. Bởi vì chỉ cần sai lệch một milimet có thể ảnh hưởng đến hiệu quả nghe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sau 2 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật diễn ra thành công, các chỉ số đánh giá sau mổ của bệnh nhi đều tốt.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cũng diễn ra ca phẫu thuật trình diễn mổ nội soi tai EES, chỉnh hình thượng nhĩ cho người bệnh bị cholesteatoma thượng nhĩ. Đây là bệnh lý phổ biến, gây ù tai, nghe kém, nếu không can thiệp sớm có thể dẫn tới nhiễm trùng, tiết dịch, giảm sức nghe, thậm chí gây biến chứng nội sọ như áp xe não, viêm tiền đình. Phương pháp có ưu điểm ít xâm lấn, đường mổ rất nhỏ, độ an toàn và hiệu quả thẩm mỹ cao hơn so với mổ mở truyền thống. Ca phẫu thuật kết thúc sau 2 giờ đồng hồ, người bệnh ổn định, được chuyển vào phòng theo dõi sau mổ.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top