Cảnh giác với nhiều gói tầm soát đột quỵ, kẻo "tiền mất, tật mang"

16:57 - Thứ Ba, 24/10/2023 Lượt xem: 5969 In bài viết

Lo lắng về bệnh tật, đặc biệt là ung thư, đột quỵ, khiến nhiều người tìm đến các gói tầm soát đang nở rộ trên mạng xã hội. Các gói tầm soát đột quỵ được quảng cáo với nhiều lời lẽ có cánh, giá đắt đỏ từ vài triệu đến cả trăm triệu được tung ra. Thực hư có phải cứ thải độc máu, tầm soát chuyên sâu như chụp cộng hưởng từ (RMI), CT-scan là có thể phòng được đột quỵ hay là mất tiền oan?

Mất tiền triệu vì nỗi lo "sát thủ thời hiện đại"

Đột quỵ được ví như "sát thủ thời hiện đại", vì thế nhiều gói dịch vụ tầm soát căn bệnh này được quảng cáo rầm rộ, đánh vào tâm lý lo lắng của nhiều người. Tới Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi gặp rất nhiều người nhà bệnh nhân ngồi phía ngoài sốt ruột ngóng vào phía trong đợi tin tức của người thân.

Anh Phạm Hoàng Hải (Hà Nội) cho biết: "Bố tôi buổi chiều đang ăn cơm, có uống chút rượu, sau đó ra bàn uống nước, được khoảng 10 phút thì ú ớ, nói ngọng, rồi ngã xuống đất bất tỉnh. Gia đình tôi đưa ông đến ngay Bệnh viện Bạch Mai kịp vào giờ vàng".

Theo anh Hải, bố anh năm nay 72 tuổi, bị cao huyết áp, mỡ máu, vẫn thường khám sức khoẻ định kỳ. Sau trận ốm này, gia đình anh khá lo lắng, vì qua phim chụp, bác sĩ nói trước đó ông đã có vài lần xuất huyết não nhẹ nhưng không được phát hiện. "Trong gia đình có tôi và mẹ cũng huyết áp cao, mẹ tôi còn mắc tiểu đường, nên rất lo và muốn đi tầm soát đột quỵ", anh Hải chia sẻ.

Theo anh Hải, hiện có nhiều gói tầm soát đột quỵ được quảng cáo như các xét nghiệm, chẩn doán như chụp MRI đầu - não, xét nghiệm công thức máu, siêu âm tim mạch, chụp CT,… hoặc gói lọc máu công nghệ Nhật Bản, loại bỏ các độc tố trong máu, nhất là mỡ máu xấu để giúp phòng ngừa đột quỵ. Anh Hải băn khoăn không biết thực hư các gói này ra sao?

Không phải người nào cũng đi tầm soát đột quỵ, từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ có những chỉ định khác nhau. Ảnh minh hoạ.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện một số cơ sở y tế tư nhân xây dựng danh mục kỹ thuật và giá thành khác nhau của gói tầm soát đột quỵ, chủ yếu là gói nâng cao, giúp phát hiện những bất thường chuyên sâu hơn để phòng ngừa; hoặc gói tầm soát chuyên sâu giúp phát hiện những nguy cơ hiếm gặp…

Một số kỹ thuật của gói tầm soát thường là chụp MRI não, MRI mạch máu não, chụp mạch cảnh, CT-scan, siêu âm mạch máu, điện tim, đo chỉ số ABI, TBI, chụp soi đáy mắt, xét nghiệm máu, định lượng cholesterol toàn phần, đánh giá chức năng gan, thận, hô hấp, đái tháo đường… có mức từ 2,5 - 11,5 triệu đồng tuỳ vào kỹ thuật trong mỗi gói.

Thậm chí, một cơ sở y tế còn giới thiệu gói dịch vụ G-stroke xét nghiệm gen để phát hiện nguy cơ đột quỵ di truyền, nguy cơ tái đột quỵ (nếu có) với giá 3,5 triệu đồng/người. Theo quảng cáo, dịch vụ này chỉ cần thu mẫu nước bọt, cho chạy máy và chờ báo cáo giải mã gen, áp dụng cho mọi lứa tuổi.

Đặc biệt, gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo về phương pháp lọc máu công nghệ Nhật Bản đề sàng lọc đột quỵ. Theo quảng cáo, chương trình lọc máu này có tác dụng: "Loại bỏ máu xấu - Trả lại máu sạch", giải cứu cơ thể khỏi những biến chứng nguy hiểm như đột quỵ não, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, suy giảm chức năng sinh lý, sa sút trí tuệ, gan nhiễm mỡ…

Theo giải thích của đơn vị cung cấp dịch vụ này, họ sử dụng hệ thống hiện đại thông qua 2 bộ lọc có thể giúp người bệnh loại bỏ mẫu xấu trực tiếp mà không cần dùng thuốc. Nếu có bệnh lý mỡ máu thì đó là phương pháp phòng ngừa cục máu đông, phòng ngừa đột quỵ, tai biến mạch máu não và các bệnh lý tim mạch.

Quá trình lọc chỉ từ 2-3h và không chống chỉ định cho bất cứ đối tượng nào, vì vậy không cần trải qua bước tầm soát hay xét nghiệm máu. Theo quảng cáo thì chi phí cho một lần lọc máu có giá "cắt cổ" 120 triệu đồng, nếu thực hiện ở thời điểm này thì được giảm giá còn 96 triệu đồng. Ngoài ra, trên mạng xã hội còn quảng cáo hệ thống lọc huyết tương công nghệ Nhật Bản với 2 bộ siêu lọc sẽ giúp loại bỏ mỡ xấu, các độc tố, kim loại nặng, vi nhựa… trong máu.

Liệu có "tiền mất tật mang"?

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người tử vong do đột quỵ cao, chỉ sau tim mạch và ung thư. Trung bình mỗi năm cả nước có hơn 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% ca tử vong, nhiều người sống sót phải chung sống với các di chứng về thần kinh, vận động...

Theo một công bố nghiên cứu đa trung tâm về tình hình đột quỵ tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc từ đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và phía Bắc, có tới 78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp. Độ tuổi trung bình của người dân Việt Nam bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2% và tỉ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần.

Tuy nhiên, trước lo lắng thái quá về bệnh đột quỵ, các bác sĩ khuyến cáo, không phải ai cũng đi tầm soát đột quỵ để mất tiền oan. PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh cho biết, cần phải hiểu đúng về tầm soát đột quỵ, để tránh lãng phí, tốn kém không cần thiết. Chẳng hạn, chụp MRI sọ não trên người hoàn toàn bình thường để sàng lọc đột quỵ là không cần thiết. Hay chiếu chụp xét nghiệm gen tầm soát đột quỵ với chi phí lớn, nhưng hiệu quả không rõ ràng.

"Tầm soát đột quỵ chỉ nên hướng tới việc tìm các yếu tố nguy cơ có thể người bệnh không phát hiện trước đó như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, hút thuốc lá hay sử dụng chất gây nghiện, béo phì… để từ đó tư vấn cho người bệnh phòng ngừa đột quỵ. Việc tầm soát yếu tố nguy cơ cơ bản bằng các xét nghiệm đơn giản, không tốn kém mà mang lại hiệu quả, thay vì đi chụp MRI, CT đắt như quảng cáo hiện nay", PGS Thắng khuyến cáo.

Về phương pháp lọc máu công nghệ Nhật Bản để sàng lọc đột quỵ, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị kỹ thuật cao, Viện Y sinh nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga cho rằng, đánh vào tâm lý lo sợ bệnh tật của người dân, nhiều nơi tung ra các chiêu trò quảng cáo về các phương pháp phòng ngừa căn bệnh đột quỵ hay ung thư. Tuy nhiên, người dân cần tỉnh táo, bởi các phương pháp này đều chưa được kiểm chứng khoa học.

BS Hoàng cho hay, lọc mỡ máu qua cách thức lọc máy không có tác dụng trong phòng ngừa đột quỵ. Về lâu dài, bệnh nhân bị mỡ máu cần dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt khoa học. Lọc máu có thể giải quyết tạm thời, nhưng nếu ăn uống, chuyển hóa lại về nhịp cũ thì hoàn toàn không có ý nghĩa. Hơn nữa, việc thực hiện lọc mỡ máu là một kỹ thuật chuyên sâu, cần các điều kiện kỹ thuật cao, thiết bị hiện đại, chuyên dụng.

Bác sĩ thực hiện phải có chuyên ngành lọc máu ngoài cơ thể, được đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu mới có thể thực hiện được. Nhiều người lo ngại về các gói tầm soát lọc máu để phòng ngừa đột quỵ quảng cáo tràn lan với cái giá cắt cổ là chiêu trò để thu hút người dân, bởi theo các chuyên gia, hiện chưa có phương pháp nào được thế giới công nhận là giúp dự phòng bệnh tật, bao gồm dự phòng đột quỵ.

BS Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, theo quy định của Bộ Y tế, bệnh nhân không có chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11mmol/L kèm theo viêm tuỵ. Vì vậy, không phải cứ chỉ số cholesterol cao là lọc máu. Người dân cần thận trọng và không tin vào các quảng cáo, hay lạm dụng lọc mỡ máu sẽ rất nguy hiểm.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top