Vì người bệnh hay doanh nghiệp?

09:27 - Thứ Hai, 30/10/2023 Lượt xem: 5612 In bài viết

Nhằm hướng tới bao phủ Bảo hiểm Y tế (BHYT) toàn dân và nâng cao hơn nữa quyền lợi về khám chữa bệnh khi tham gia BHYT, trong dự án Luật BHYT (sửa đổi) đang được Bộ Y tế xây dựng đã đề xuất quy định về BHYT bổ sung, là chính sách mới được người dân rất quan tâm.

Bởi theo đại diện Bộ Y tế, gói BHYT bổ sung nhằm tăng quyền lợi, giảm chi tiền túi của người bệnh, người bệnh có thể tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, thậm chí có thể lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ.

Thực tế, hiện nay, trong lĩnh vực khám chữa bệnh, không ít dịch vụ y tế chưa được BHYT thanh toán, như khám sức khỏe định kỳ, chẩn đoán sớm một số bệnh... nên BHYT bổ sung sẽ giúp lấp đầy những “khoảng trống” đó, qua việc đa dạng hóa mức đóng, đa dạng gói quyền lợi cho người bệnh. Việc có thêm quy định về BHYT bổ sung sẽ tạo điều kiện môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại thực hiện cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người bệnh, với sự giám sát của nhà nước. Để có thể triển khai các gói BHYT bổ sung, Bộ Y tế đề xuất thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đưa ra quy định về việc các doanh nghiệp tham gia cung cấp các gói BHYT bổ sung sẽ không được lựa chọn đối tượng, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng, không được loại trừ những người bị bệnh mà là tất cả người bệnh có điều kiện, có nhu cầu đều có thể được mua BHYT bổ sung.

Rõ ràng việc có thêm hình thức BHYT bổ sung để tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, đồng thời đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khả năng chi trả của Quỹ BHYT là cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm công bằng, thuận lợi trong việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, đòi hỏi dự án Luật BHYT sửa đổi cần có những quy định cụ thể về hình thức BHYT bổ sung, bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cùng với đó, khi đưa chính sách BHYT bổ sung vào dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đòi hỏi Bộ Y tế đưa ra các quy định về hình thức tham gia BHYT bổ sung; khuyến khích thực hiện BHYT bổ sung bằng việc chi kinh phí mua BHYT bổ sung cho người lao động được hạch toán vào chi phí doanh nghiệp.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top