Phòng bệnh mùa đông cho trẻ

09:07 - Thứ Ba, 07/11/2023 Lượt xem: 5940 In bài viết

ĐBP - Viêm phổi là một trong những bệnh đường hô hấp nguy hiểm. Ðối tượng dễ bị mắc bệnh thường là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt vào thời điểm giao mùa. Việc phát hiện sớm và có biện pháp phòng tránh viêm phổi cho trẻ nhỏ vô cùng quan trọng.

Bác sĩ Khoa Nhi khám, điều trị cho trẻ bị viêm phổi tại Trung tâm Y tế huyện Mường Chà.

Từ đầu năm đến nay, số ca mắc viêm phổi được khám và điều trị tại huyện Mường Chà là hơn 1.450 trường hợp; cả người lớn và trẻ nhỏ. Số người phải theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế là 632; trong đó, trẻ em chiếm hơn 90% (583 trường hợp).

Bác sĩ Tạ Thị Huệ, Trung tâm Y tế huyện Mường Chà cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang điều trị cho 12 bệnh nhi, 100% đều bị viêm phổi. Khoa Hồi sức cấp cứu cũng đang điều trị 2 trường hợp viêm phổi nặng.

Viêm phổi ở trẻ là bệnh do vi khuẩn, virut… gây ra; mầm bệnh có thể lây lan từ người sang người qua tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc gián tiếp, qua các đồ vật hoặc từ môi trường sống của trẻ. Mùa đông xuân là thời điểm số trẻ bị mắc các bệnh lý về hô hấp tăng cao. Hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường; buổi trưa nắng nóng, oi bức; buổi sáng và về đêm nhiệt độ giảm sâu, kèm theo nhiều đợt gió mùa khiến cơ thể không kịp thích nghi. Trong khi trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn yếu, rất dễ mắc bệnh.

Thực tế cho thấy, các trường hợp thăm khám và phải điều trị đa số triệu chứng đã rõ ràng, trẻ khó thở, sốt cao, co giật, người tím tái… đây là các dấu hiệu viêm phổi nặng. Các triệu chứng xuất hiện khi trẻ bị viêm phổi giai đoạn đầu thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về đường hô hấp khác. Ðồng thời, do thể trạng đặc thù, hệ miễn dịch kém nên viêm phổi ở trẻ nhỏ phát triển rất nhanh; trong khi nhiều phụ huynh chủ quan, chỉ khi trẻ có các dấu hiệu trở nặng của viêm phổi mới đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị. Ðối với trẻ nhỏ, biến chứng của bệnh viêm phổi phát triển rất nhanh, đặc biệt ở trẻ có thể trạng yếu, hệ miễn dịch kém. Nếu chủ quan, không phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, để mầm bệnh phát triển thành các biến chứng nguy hiểm, dễ gây tử vong.

Anh Quàng Văn Thắng, bản Pa Ít, xã Huổi Mí chia sẻ: Một vài ngày đầu thấy cháu ít chơi, sốt cao, gia đình cũng chủ quan, chỉ nghĩ là ốm bình thường, cho uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Ðến khi thấy cháu khó thở, thở khò khè, sốt, người tím tái thì mới đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện. May mà được cấp cứu kịp thời, hiện tại là ngày thứ 4 ở viện, tình trạng cháu cũng đã ổn định.

Bác sĩ Tạ Thị Huệ khuyến cáo: Trong khoảng thời gian chuyển mùa, các bậc phụ huynh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ; cần giúp trẻ tăng sức đề kháng, giữ ấm thích hợp cho trẻ (mặc ấm vào sáng sớm, đêm muộn, mặc thông thoáng vào buổi trưa khi trời nóng); giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ, thường xuyên súc miệng bằng nước muối loãng, rửa tay bằng xà phòng và tiêm đầy đủ vắc xin cần thiết cho trẻ nhỏ; tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm; hạn chế tới nơi đông người hoặc tiếp xúc gần với người có các dấu hiệu bị cúm, bệnh đường hô hấp…

Phụ huynh cũng cần chú ý đến các biểu hiện của trẻ; khi có các dấu hiệu như sốt cao, nằm li bì, khò khè, khó thở, ho, mệt mỏi, ít vận động… phải đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị. Việc chủ động phòng tránh, phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách sẽ giảm biến chứng và bảo vệ an toàn cho trẻ trong mùa đông khi thời tiết chuyển lạnh.

Bài, ảnh: Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top