Cần sự phối hợp chăm sóc, quản lý tốt người bệnh tâm thần

09:24 - Thứ Sáu, 10/11/2023 Lượt xem: 6560 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua dư luận đã có những phen rúng động bởi các vụ án mạng nghiêm trọng mà hung thủ là người mắc bệnh tâm thần. Những vụ việc đáng tiếc, thương tâm này xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó có Ðiện Biên. Quá đau buồn để nhắc lại, nhưng đây là hồi chuông cảnh báo trước thực tế chăm sóc, quản lý người tâm thần ngoài cộng đồng tỉnh ta vẫn còn hạn chế.

Cán bộ y tế Bệnh viện Tâm thần tỉnh thăm khám cho người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện.  Ảnh: Nguyễn Hiền

Nguy cơ phạm tội khi tái phát bệnh

Cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, chỉ trong vòng 1 tuần, tại tỉnh ta xảy ra 2 vụ án mạng mà hung thủ đều là người có vấn đề về tâm thần. Thời điểm cuối năm 2022, cũng diễn ra liên tiếp 2 vụ thương tâm tại huyện Ðiện Biên Ðông và huyện Ðiện Biên: Bố hoang tưởng đâm chết con nhỏ, con kích động tái phát bệnh đoạt mạng bố. Theo số liệu Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), từ ngày 15/12/2022 - 7/11/2023, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 5 vụ giết người do đối tượng tâm thần gây ra, hậu quả làm 6 người chết, 1 người bị thương. Có án mạng được xác định xuất phát từ mâu thuẫn, xung đột. Song nhiều vụ việc chủ quan đều xuất phát từ bệnh lý của hung thủ.

Bệnh viện Tâm thần tỉnh hiện đang quản lý 2 bệnh ngoài cộng đồng là tâm thần phân liệt và động kinh. Trong đó có 950 bệnh nhân tâm thần phân liệt. Các bệnh nhân đều được lập hồ sơ bệnh án tại các cơ sở y tế cấp xã nhưng tỷ lệ tham gia điều trị rất thấp. Cùng với đó, trung bình mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân loạn thần do rượu, 70 - 80 bệnh nhân loạn thần, “ngáo đá” liên quan đến chất ma túy. Bác sĩ Lương Văn Sáng, Phó Giám đốc Bệnh viện nhận định: “Thường ngày có thể họ hiền lành, nhưng nếu không được quan tâm chăm sóc, điều trị thì khi tái phát bệnh, xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, hoặc bị chi phối, kích động có thể trở nên hung hãn, nguy hiểm, không nhận thức, kiểm soát được hành vi”.

Thượng tá Nguyễn Xuân Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết: “Ðối tượng tâm thần có nguy cơ xâm phạm trật tự xã hội chia làm 2 loại là tâm thần do bệnh lý và người sử dụng ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”. Với những trường hợp do bệnh lý, Phòng Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo các lực lượng cảnh sát hình sự công an các huyện, thị xã, thành phố và công an cấp xã phối hợp với trung tâm y tế xã, phường thường xuyên theo dõi, cập nhật danh sách rà soát các đối tượng tâm thần; bổ sung các thông tin, tài liệu có liên quan nhằm làm tốt công tác phòng ngừa. Với số đối tượng sử dụng ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”, Phòng Cảnh sát hình sự tiến hành rà soát trên địa bàn, hiện lập hồ sơ quản lý 19 đối tượng”.

Dù đã có những bước phối hợp, triển khai, nhưng công tác quản lý người bệnh tâm thần, loạn thần “ngáo đá” trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần sự phối hợp và những biện pháp hữu hiệu.

Phối hợp từ nhiều phía

Số lượng người mắc bệnh có xu hướng tăng, nhưng tỉnh ta hiện chưa có trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần. Bệnh viện Tâm thần tỉnh có 52 giường thực kê với 34 cán bộ, nhân viên (trong đó 10 bác sĩ). Tuyến huyện, duy nhất Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo có bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Bởi vậy bệnh nhân tâm thần phân liệt trên địa bàn tỉnh ta sinh sống cùng gia đình, sinh hoạt tự do, được người thân chăm sóc, quản lý trực tiếp. Tuy nhiên nhận thức của người dân về bệnh tâm thần còn rất hạn chế, kỳ thị, thậm chí nhiều người, nhiều gia đình giấu bệnh, phủ nhận, không chấp nhận bản thân hay người thân trong gia đình mắc bệnh, càng gây tiềm ẩn những nguy hiểm khi phát bệnh.

Bác sĩ Lương Văn Sáng chia sẻ: “Ở một số nơi trong tỉnh ta vẫn còn tư tưởng lạc hậu, mê tín dị đoan, coi đây là bệnh do ma quỷ làm; thay vì đưa đi thăm khám, điều trị, lại tổ chức cúng ma, bói toán... Bệnh tâm thần phân liệt lại là bệnh mãn tính, cần phải điều trị tích cực, thường xuyên, rất cần sự đồng hành của gia đình. Tuy nhiên nhiều gia đình chán nản, không quan tâm, chăm sóc tốt cho người bệnh hoặc thiếu kỹ năng chăm sóc, trị liệu, để bệnh ngày càng tiến triển nặng, tái phát. Nhiều trường hợp người bệnh đi lang thang, gây ra những vụ việc đáng tiếc hoặc tử vong do tai nạn”. Ngoài ra, còn nhiều khó khăn khác, trong đó công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần ngoài cộng đồng còn hạn chế, đội ngũ cộng tác viên, y tế thôn bản giúp thống kê, theo dõi những trường hợp này đã bị cắt giảm nhiều. Bác sĩ Sáng nhấn mạnh, để quản lý, chăm sóc, điều trị tốt cho người bệnh tâm thần thì không chỉ ngành y tế mà cần dựa vào gia đình, cộng đồng, sự chung tay quan tâm, giám sát của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương.

Lực lượng công an cũng đã vào cuộc. Ðể phòng ngừa người mắc bệnh tâm thần phạm tội, Thượng tá Nguyễn Xuân Lâm cho biết: “Ðối với người tâm thần do bệnh lý, chỉ đạo công an cấp xã tiến hành rà soát, lập danh sách, đánh giá nhóm người có biểu hiện, hành vi manh động để tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với gia đình quản lý chặt chẽ, không để họ gây nguy hiểm cho cộng đồng dân cư. Phòng cũng nghiên cứu, phối hợp tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng các quy định nhằm chữa trị, quản lý đối tượng tâm thần. Ðối với đối tượng sử dụng ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”, lập danh sách, áp dụng các biện pháp đồng bộ quản lý đấu tranh, không để các đối tượng có điều kiện xâm hại đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác hoặc có hành vi vi phạm pháp luật”.

Với tiến bộ của y học, người bệnh tâm thần có thể trở lại cuộc sống bình thường cùng gia đình và xã hội nếu được điều trị tốt. Song, để người mắc bệnh bình phục, không tái phát bệnh, không thực hiện những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, thì ngoài ngành Y tế cũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành, các tổ chức có liên quan và cả cộng đồng.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top