Góp phần nâng cao chất lượng các bệnh viện tuyến tỉnh

09:35 - Chủ Nhật, 12/11/2023 Lượt xem: 6249 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh có thể khám, điều trị thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, kịp thời cứu bệnh nhân nhờ ứng dụng kỹ thuật cao và trao đổi, chia sẻ từ bệnh viện tuyến Trung ương. Qua đó, đem lại nhiều ích lợi cho đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là bệnh nhân khi không phải chuyển lên tuyến trên, tiết kiệm được thời gian, chi phí…

Bác sĩ Bệnh viện Ða khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân cao tuổi. Ảnh: C.T.V

Cùng với các bệnh viện tuyến tỉnh khác, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh được biết đến như một địa chỉ tin cậy của nhân dân trong chăm sóc sức khỏe. Với sự hỗ trợ, kết hợp của các trang thiết bị y tế hiện đại và điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền đã điều trị dứt điểm nhiều bệnh. Bác sĩ Nguyễn Trọng Ninh, Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: “Ðơn vị là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, với nhiều kỹ thuật do tuyến trên chuyển giao, đội ngũ y bác sĩ thường xuyên được truyền đạt các kiến thức, kỹ thuật về châm cứu. Bởi vậy, 90% bệnh nhân vào viện được chỉ định châm cứu. Trong đó, nhiều bệnh nặng có thể được điều trị hiệu quả, như: Ðiều trị sau đột quỵ não bằng phương pháp châm cứu; sau các chấn thương đứt dây chằng chéo chân; bại não ở trẻ em… Ngoài ra, đơn vị đang thực hiện cắt trĩ bằng phương pháp siêu âm Doppler. Phương pháp này có ưu điểm là ít đau hơn so với các phương pháp truyền thống, thời gian bình phục nhanh, người bệnh không cần nhập viện lâu và sớm có thể sinh hoạt bình thường. Nhờ đó, Bệnh viện thu hút nhiều bệnh nhân tới khám, điều trị. Trong 9 tháng đầu năm, đơn vị tiếp đón, điều trị cho 8.723 lượt bệnh nhân, trong đó, điều trị nội trú cho 1.636 bệnh nhân, tăng 10 - 20% so với cùng kỳ năm trước”.

“Trong thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục đưa kỹ thuật nội soi đại tràng vào khai thác; đồng thời, đưa thêm phương pháp ngôn ngữ trị liệu vào điều trị cho các bệnh nhân chậm nói. Sau khi được nâng hạng lên bệnh viện hạng 2, đơn vị tiếp tục thành lập thêm Khoa Lão - An dưỡng để chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân lớn tuổi…” - Bác sĩ Nguyễn Trọng Ninh cho biết thêm.

Bà Lò Thị Nhúng, bản Na Khoang, xã Mường Nhà, huyện Ðiện Biên bị đau lưng, thoái hóa cột sống đã hơn 2 năm, gây khó khăn, đau đớn trong quá trình đi lại. Từng được điều trị tại Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, nay bà lại tiếp tục tin tưởng, gửi gắm sức khỏe của mình cho các y, bác sĩ ở đây. Bà Lò Thị Nhúng chia sẻ: “Hôm nay tôi đi khám, nhập viện điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng. Ðược các bác sĩ châm cứu kết hợp với chiếu đèn nên đã giảm đau phần nào. Các bác sĩ rất tận tâm nên tôi cũng yên tâm điều trị…”.

Bệnh viện Ða khoa (BVÐK) tỉnh, nhiều năm qua cũng đã được tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật cao của các bệnh viện tuyến Trung ương. Các kỹ thuật đó giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tỉnh, góp phần giảm thiểu số người bệnh phải chuyển tuyến điều trị, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh. Trong đó, BVÐK tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Ðề án Bệnh viện vệ tinh; Ðề án Khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Việt Ðức. Qua đó, giúp nâng cao năng lực về chuyên môn kỹ thuật thuộc các lĩnh vực chấn thương chỉnh hình; Ngoại khoa, Gây mê phẫu thuật, các kỹ thuật cận lâm sàng phục vụ chẩn đoán, can thiệp ngoại khoa tại Bệnh viện. Tháng 7 vừa qua, BVÐK tỉnh tiến hành ca mổ cấp cứu bệnh nhân bị chấn thương não dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia, bác sĩ Bệnh viện Việt Ðức. Ðây là ca mổ có tính chất phức tạp. Ðội ngũ chuyên gia bác sĩ tại Bệnh viện Việt Ðức đã hỗ trợ hướng dẫn trực tuyến các bác sĩ BVÐK tỉnh. Các thao tác, diễn biến ca mổ tình trạng bệnh nhân tại Ðiện Biên được truyền hình ảnh tới các chuyên gia, bác sĩ tại điểm cầu Bệnh viện Việt Ðức để trực tiếp có ý kiến hướng dẫn. Nhờ vậy, ca phẫu thuật diễn ra thành công, bệnh nhân được cứu sống an toàn. Qua đó, không chỉ khẳng định tay nghề vững vàng của các y, bác sĩ tại BVÐK tỉnh mà còn cho thấy sự hỗ trợ chuyên môn hiệu quả từ Bệnh viện Việt Ðức theo chương trình bệnh viện vệ tinh…

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, các bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả việc khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương để trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức và nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị cho cán bộ y tế. Trong 9 tháng đầu năm, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã tham gia 150 buổi tư vấn khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương, tổng số 1.350 lượt cán bộ tham gia. Cùng với đó, thực hiện Ðề án 1816, trong 9 tháng đầu năm 2023, có 20 lượt cán bộ của BVÐK tỉnh tăng cường, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện và đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho 37 cán bộ tuyến huyện tại BVÐK tỉnh; các bệnh viện tuyến huyện đã tăng cường 482 lượt bác sĩ hỗ trợ chuyên môn cho các trạm y tế tuyến xã…

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top