Chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ

09:02 - Thứ Ba, 14/11/2023 Lượt xem: 5476 In bài viết

ĐBP - Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 23 ca mắc bệnh tay chân miệng. Tuy các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện, điều trị kịp thời, không có trường hợp tử vong hoặc biến chứng nặng. Nhưng trước khả năng lây lan nhanh của bệnh và biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời, mỗi người cần trang bị kiến thức để chủ động phòng, tránh bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bệnh nhi điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Ða khoa tỉnh).

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột EV71 gây ra, lây truyền qua đường tiêu hóa, vào đường ruột, từ đó đi vào hệ bạch huyết xâm nhập vào các cơ quan trong cơ thể người, trong đó có hệ thần kinh trung ương. Hệ quả gây viêm não, viêm màng não, có tỷ lệ tử vong cao, di chứng lớn. Ðường lây chính của bệnh là do trẻ đưa vật dụng (đồ chơi) chứa mầm bệnh vào mồm, làm gây bệnh hoặc do trẻ ăn phải thực phẩm chứa nguồn bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên chiếm nhiều nhất ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở các khu vực đông người, như trường học, nhà trẻ…

Bác sĩ Bùi Quang Thắng, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) cho biết: Tay chân miệng có giai đoạn ủ bệnh từ 3 - 7 ngày sau khi vi rút xâm nhập vào cơ thể; sau đó bệnh sẽ khởi phát, lúc này trẻ có các dấu hiệu như cảm cúm thông thường (mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, sốt nhẹ và có thể bị tiêu chảy…). Sau 2 ngày, những triệu chứng này giảm đi, triệu chứng của bệnh chân tay miệng mới bắt đầu xuất hiện; trẻ sẽ có những nốt mụn nước trên da trong khoang miệng, khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc và mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, trẻ bỏ ăn, sốt nhẹ, nôn.

 Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng là viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ðể đề phòng biến chứng nguy hiểm này, cha mẹ cần theo dõi sát trẻ, sớm phát hiện ra những biểu hiện diễn biến xấu, như sốt cao, bỏ bú, nôn trớ, co giật… Trong trường hợp không gặp biến chứng, hầu như các trẻ có thể hồi phục hoàn toàn từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát. 

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Các bậc phụ huynh cần chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ, vệ sinh thực phẩm an toàn; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh, khi làm đồ ăn cho trẻ; vệ sinh môi trường nhà cửa, rửa sạch đồ chơi, vật dụng của trẻ nhằm hạn chế lây lan các mầm bệnh. Tránh tiếp xúc với những trẻ có biểu hiện mắc bệnh tay chân miệng.

Khi trẻ bị tay chân miệng, không cho đi học hoặc tới nơi đông người, cho tới khi khỏe hẳn. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế để được hướng dẫn và xử trí kịp thời. Không chủ quan khi con mình mắc tay chân miệng và cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và khử trùng tiêu độc, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo. Khi phát hiện ca bệnh, tập trung nguồn lực khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, hạn chế ca mắc và tử vong. Phối hợp với ngành Giáo dục và Ðào tạo đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống bệnh để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân trong gia đình.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top