Nguy hại thực phẩm “ngậm” phẩm màu quá mức

16:43 - Thứ Tư, 06/12/2023 Lượt xem: 5303 In bài viết

Muốn thực phẩm bắt mắt hơn, gây chú ý đến người tiêu dùng, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã pha trộn phụ gia, phẩm màu vào thực phẩm. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc lạm dụng quá mức phụ gia, phẩm màu sẽ là mối nguy hại lớn đối với sức khỏe con người về lâu dài.

Dễ dàng tiếp cận

Qua tìm hiểu của phóng viên, tại nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống ở TPHCM như Bình Tây (quận 6), Kim Biên (quận 5), Thái Bình (quận 1)…, việc mua, bán phẩm màu thực phẩm, phụ gia khá dễ dàng. Sau khi nói về nhu cầu mở một cửa hàng bán xôi, chúng tôi được một người bán hàng tại chợ Kim Biên giới thiệu 16 lọ hóa chất với đủ màu sắc, được đựng trong những chai nhựa không rõ thành phần, nhãn mác, có giá vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Sau khi lựa 2 màu đỏ và xanh, chúng tôi được nhân viên hướng dẫn chi tiết: nếu muốn xôi có màu đỏ như gấc, màu xanh như lá dứa thì chỉ cần đổ 1 giọt màu vào gạo ngâm; nếu muốn lạp xưởng, thịt quay đỏ au, vàng ruộm thì cho trực tiếp vào nguyên liệu...

Nghe chúng tôi thắc mắc về độ an toàn của các phẩm màu, chủ quầy hàng nói chắc nịch: “Chị bán quanh năm suốt tháng, có chết ai đâu mà lo”. Còn tại một sạp bán thực phẩm khô ở chợ Bình Tây, theo giới thiệu của chủ sạp, khô bò luôn nhập mới mỗi ngày và có nhiều chủng loại, mức giá từ 100.000-380.000 đồng/ kg. Đối với khô bò sợi ngắn, giá bán chỉ từ 120.000-150.000 đồng/ kg.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh hương liệu, phẩm màu tại chợ Kim Biên, TPHCM.

Khi chúng tôi đặt nghi vấn về màu sắc của miếng khô bò, hỏi liệu có sử dụng phụ gia hay phẩm màu công nghiệp gì không, chủ sạp hàng khẳng định: “Thịt bò của chị làm từ 100% thịt bò tươi cùng các nguyên liệu như tỏi, sả, ớt bột và nói không với chất bảo quản, phụ gia, màu thực phẩm”. Đặt một phép tính đơn giản, theo giá cả thị trường hiện nay, thịt bò tươi có giá gần 300.000 đồng/kg. Khoảng 2kg thịt bò tươi mới chế biến được 1kg khô bò. Vậy với giá 380.000 đồng/kg khô bò mà chủ sạp nói là không sử dụng phẩm màu, phụ gia thì người tiêu dùng sẽ khó chấp nhận!

Nhiều thực phẩm được bày bán trên vỉa hè sử dụng phẩm màu để bắt mắt hơn.

Theo BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM, màu sử dụng trong chế biến thực phẩm với mục đích chính là cải thiện màu sắc và tăng tính hấp dẫn, gồm 2 nhóm chính là màu tổng hợp và màu thiên nhiên. Màu thiên nhiên được chiết xuất chủ yếu từ các loại thực vật nên có tính chất không ổn định, thay đổi theo thời gian, nhiệt độ, ánh sáng, độ pH…

Vì vậy, các loại màu tổng hợp thường được nhà sản xuất ưu tiên lựa chọn bởi giá thành rẻ, giữ màu bền đẹp. Tuy nhiên, việc lạm dụng màu công nghiệp sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là khả năng gây ung thư khi sử dụng lâu dài.

Thận trọng khi mua thực phẩm

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng phẩm màu công nghiệp trong chế biến. Điển hình mới đây, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho 2 mẹ con bệnh nhân ngụ TP Hà Nội nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng do tan máu. Bệnh nhân cho biết có mua 100g bột màu thực phẩm có màu đỏ tươi ở chợ để trộn với thịt heo xay và gói nem rán. Bệnh nhân và con ăn nem trong ba bữa trưa liên tiếp. Qua kiểm nghiệm, các bác sĩ cho biết, mẫu bột màu thực phẩm có axit orange 7.

Đây là loại hóa chất dùng làm chất màu công nghiệp, sử dụng liều cao trên động vật có thể gây tan máu và ngộ độc methemoglobin (huyết sắc tố vận chuyển và phân phối oxy cho cơ thể). Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng trong thực phẩm, cùng với đó là quy định vô cùng nghiêm ngặt về sử dụng chất tạo màu và yêu cầu nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép.

Tuy nhiên, theo BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, vì hám lợi và để tạo thêm sự hấp dẫn cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp đã tự ý dùng các phẩm màu tổng hợp, thậm chí cả loại phẩm màu dùng trong công nghiệp, để nhuộm màu cho thực phẩm hoặc che giấu các sản phẩm bị hư hỏng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cho rằng, hiện hoạt động buôn bán hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ.

Trên thị trường, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm để làm ra các loại bánh mứt, kẹo, nước giải khát, vịt quay, giò chả… với muôn vàn chủng loại, màu sắc “bắt mắt” tràn ngập thị trường. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm. Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu. Phải hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

“Người dân cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tốt nhất là nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều màu sắc và có màu sắc sặc sỡ khi chưa biết chính xác nguồn gốc, mức độ độc hại” - PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top