Để y tế cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh

10:14 - Thứ Tư, 13/12/2023 Lượt xem: 6633 In bài viết

Mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, YTCS vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính và nguồn nhân lực, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám, chữa bệnh (KCB).

 “Xương sống” của hệ thống y tế chưa được quan tâm đúng mức

Mạng lưới YTCS ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc KCB cho người dân sinh sống tại các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. YTCS luôn được coi là “xương sống” của hệ thống y tế. Trong những năm qua, mạng lưới YTCS ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi.

Tư vấn sức khỏe cho thai phụ tại Trung tâm Y tế xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình). 

Tại Hội thảo “Y tế cơ sở: Từ chính sách đến hành động”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ, khi dịch Covid-19 bùng phát, vai trò của YTCS rất quan trọng, nhưng qua thực tế mới thấy YTCS còn rất lúng túng, do chính sách, pháp luật về YTCS chưa hoàn thiện; một số nơi chưa nhận thức đầy đủ việc phát huy vai trò của YTCS; chưa tăng cường năng lực cho YTCS, nhất là ứng phó với tình huống khẩn cấp về dịch bệnh. Nhiều chính sách chưa phù hợp cho YTCS, dẫn tới người dân lại vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe. Điều này dẫn đến tình trạng các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải. 

Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thẳng thắn nhận định: “Mặc dù được Quốc hội, Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư trong suốt thời gian qua, song YTCS vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính và nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, KCB. Trên thực tế, người dân đến với YTCS để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe thường chiếm tỷ lệ thấp và càng ngày càng sụt giảm”.

Theo phân tích của bà Trần Thị Nhị Hà, nhiều chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho YTCS phát huy tiềm năng và thế mạnh. Những quy định như phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề, danh mục kỹ thuật tại trạm y tế xã hay chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) và một số quy định khác đã làm giảm lượng người bệnh đến KCB tại tuyến y tế xã, phường, bệnh viện tuyến huyện. Từ đó, các cơ sở KCB tuyến cơ sở đã bị hạn chế phát triển chuyên môn, thiếu thuốc tốt, trang thiết bị cần thiết, các thầy thuốc giỏi trình độ cao dần dịch chuyển về làm việc ở các bệnh viện tuyến trên và khu vực tư nhân. Dẫn đến hệ quả là người dân chưa được khám, phát hiện, quản lý, theo dõi các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường... một cách bài bản, thường xuyên, liên tục tại tuyến YTCS.

Nâng cao năng lực của y tế cơ sở

Trong “Nghiên cứu đánh giá về số ca nhập viện có thể phòng tránh được” của bà Đào Lan Hương, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho thấy, khoảng 30% số ca nhập viện nội trú của Việt Nam có thể dự phòng được thông qua tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và dự phòng hiệu quả. Điều này cho thấy, vai trò trong phát hiện, điều trị sớm của YTCS rất quan trọng trong góp phần tránh vỡ quỹ BHYT và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chia sẻ, sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22-1-2002 của Ban Bí thư về củng cố và hoàn thiện mạng lưới YTCS, hoạt động của YTCS đã đạt được kết quả quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và tham gia KCB BHYT. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về YTCS chưa hoàn thiện, mô hình tổ chức YTCS chưa ổn định, quản lý bệnh và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ chưa phù hợp. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của YTCS, cần có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn, có chế độ chính sách bảo đảm để nhân viên y tế yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với YTCS. Thông tin về quyền lợi của người dân khi KCB tại trạm y tế xã, phường, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, Luật BHYT đang sửa đổi trong đó có các tháo gỡ khó khăn cho YTCS, ưu tiên ngân sách cho trạm y tế, chú trọng các chính sách thanh toán về BHYT.

Chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao năng lực của YTCS, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở Y tế TP Hà Nội đã nghiên cứu, sáng tạo mô hình “Bệnh viện chị-em” giữa Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn hỗ trợ toàn diện, trách nhiệm, hiệu quả, bền vững để nâng cao năng lực cho hệ thống YTCS. Theo bà Trần Thị Nhị Hà, quyết định cho sự thành công và tính bền vững của mô hình “Bệnh viện chị-em” là tận dụng tối đa công nghệ thông tin giữa các cơ sở, như khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đào tạo từ xa, đi buồng ảo, chuyển tuyến điện tử... Tăng cường sự tương tác hiệu quả và hỗ trợ về chuyên môn giữa mạng lưới YTCS với các tuyến y tế khác trong hệ thống y tế, phát huy thế mạnh của YTCS trong cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top