“Số hóa” giấy chuyển tuyến khám, chữa bệnh: Hợp lý, hợp tình

10:21 - Thứ Ba, 19/12/2023 Lượt xem: 5020 In bài viết

Thời gian qua, nhiều người kiến nghị ngành Y tế bỏ giấy chuyển tuyến bởi thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, gây bức xúc cho người dân.

Để tạo thuận lợi cho việc chuyển tuyến liên quan tới người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế đang nghiên cứu áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử.

Bộ Y tế đang xúc tiến việc “số hóa” giấy chuyển tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Chưa thể bỏ giấy chuyển tuyến khám, chữa bệnh

Bộ Y tế phân hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh thành 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật nhằm xác định quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn, năng lực thực hiện kỹ thuật của cơ sở khám, chữa bệnh. Điều này giúp phân luồng bệnh nhân phù hợp với khả năng điều trị của từng cơ sở, tránh quá tải cho tuyến trên.

Trường hợp tình trạng bệnh tật vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới, cơ sở thực hiện chuyển người bệnh lên tuyến trên phù hợp. Trường hợp người bệnh điều trị ở tuyến trên đã ổn định nhưng cần tiếp tục theo dõi thì căn cứ vào tình trạng bệnh (đã ổn định...) và điều kiện thực tế (ví dụ cơ sở tuyến trên quá tải...), cơ sở có thể chuyển người bệnh về tuyến dưới để tiếp tục điều trị, chăm sóc. Cơ sở cấp cho người bệnh giấy chuyển tuyến theo mẫu quy định.

Do đó, giấy chuyển tuyến có 2 giá trị: Cung cấp thông tin cơ bản của người bệnh cho y tế tuyến trên; cung cấp thông tin thể hiện quyền lợi, mức hưởng của người tham gia BHYT tùy thuộc lý do chuyển tuyến để phục vụ việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, quy định phân tuyến chuyên môn, chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám, chữa bệnh và công tác khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập; quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu chưa tạo thuận lợi cho người bệnh khi họ đi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế khác ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Nhiều người bệnh nặng muốn lên tuyến trên điều trị nhưng gặp khó khăn trong việc xin giấy chuyển tuyến, thậm chí phải “chung chi”. Giữ bệnh nhân ở tuyến dưới, trong khi đối với một số bệnh thì tuyến dưới điều trị hiệu quả không cao, điều này buộc không ít người bệnh phải xin ra viện và tự vượt tuyến.

Từ ngày 1-1-2016, việc thông tuyến khám, chữa bệnh giữa trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa và bệnh viện tuyến huyện; Từ ngày 1-1-2021, việc thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám, chữa bệnh nội trú cũng tạo ra một số vướng mắc liên quan đến khám, chữa bệnh vượt tuyến, chuyển tuyến, gây ra tình trạng quá tải trở lại ở tuyến trên, giảm tỷ lệ khám, chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở. Những bất cập đó đặt ra câu hỏi về việc nên giữ hay bỏ giấy chuyển tuyến?

Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho rằng, trong điều kiện hiện nay, không thể thông tuyến đến tuyến trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến vì như thế thì sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và gây xáo trộn cả hệ thống khám, chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối Quỹ BHYT.

Các cơ sở tuyến trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo, cho nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường hay chăm sóc ban đầu.

Số hóa đi cùng nỗ lực nâng cao chất lượng y tế cơ sở

Vụ trưởng Bảo hiểm Y tế Trần Thị Trang cho biết, Bộ Y tế chuẩn bị phối hợp với Bộ Công an để tìm cách tích hợp giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại vào hệ thống VssID, VNelD. Khi đó, người bệnh chỉ cần trình điện thoại, mã BHYT, mã giấy chuyển tuyến là có thể được khám, chữa bệnh.

Đồng thời, ngành Y tế cũng đang thúc đẩy việc mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, tạo cơ chế chuyển tuyến thuận tiện để bác sĩ gia đình có thể chuyển người bệnh lên tuyến trung ương phù hợp với tình trạng bệnh. Tuy nhiên, để làm được việc này, ngành Y tế cần phải số hóa việc quản lý sức khỏe người dân, cung cấp thông tin chuyển tuyến, công khai các danh mục chuyên môn kỹ thuật...

Đây cũng là giải pháp để người bệnh biết được thông tin và các cơ sở khám, chữa bệnh, đồng thời thuận lợi hơn trong việc chuyển tuyến, giảm tối đa các phiền hà cho người bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tăng cường chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới. Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới có đủ năng lực, được đầu tư tốt có thể triển khai kỹ thuật và sử dụng thuốc của tuyến trên.

“Ví dụ, khi được phê duyệt danh mục kỹ thuật, bệnh viện tuyến huyện, thậm chí là tuyến tỉnh, nơi người bệnh đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu phải căn cứ vào danh mục này và năng lực của cơ sở để cân nhắc việc chuyển ngang bệnh nhân tới các cơ sở y tế cùng hạng mà có kỹ thuật đó, để người dân vẫn được hưởng đúng tuyến khám, chữa bệnh BHYT.

Khi đó, người bệnh không nhất thiết phải có giấy chuyển tuyến và không phải chuyển đến cơ sở không có kỹ thuật và dịch vụ đó. Hoặc trường hợp cơ sở không có đủ thuốc chuyên khoa để điều trị thì người bệnh cũng có thể lên tuyến trên” - bà Trần Thị Trang phân tích.

Cùng với việc số hóa thủ tục chuyển tuyến, y tế cơ sở cần nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ để tạo niềm tin và giữ chân người bệnh. Bộ Y tế đang đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh; luân phiên, luân chuyển cán bộ; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để tuyến dưới thực hiện tốt các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của các tuyến.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về củng cố và phát triển y tế cơ sở, ngành Y tế Hà Nội chủ động đi đầu trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn với những bước đi, cách làm sáng tạo như ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa áp dụng ngay tại tuyến y tế cơ sở. Hiện nay, số lượt người đến khám, chữa bệnh ở phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, thị trấn tăng lên, đạt trên 2 triệu lượt bệnh nhân/năm; có hơn 88% trạm y tế triển khai khám, chữa bệnh BHYT... Từ tháng 9-2023, mô hình “bệnh viện chị - em” được Sở Y tế Hà Nội thực hiện thí điểm. Sở phân công 3 “bệnh viện chị” gồm Xanh Pôn, Tim Hà Nội và Phụ sản Hà Nội trực tiếp hỗ trợ toàn diện “bệnh viện em” - Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì.

Tiến sĩ Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết: “Nhờ hệ thống khám bệnh từ xa đã được thiết lập, bác sĩ từ Xanh Pôn thường xuyên hội chẩn hằng ngày với các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và các phòng khám khu vực ở Minh Quang, Tản Lĩnh và Bất Bạt. Trong các cuộc hội chẩn trực tuyến này, bệnh nhân được tham gia, nói chuyện cùng bác sĩ. Bệnh nhân đến Bệnh viện Xanh Pôn được khám, kê đơn thuốc như thế nào thì bệnh nhân ở các trạm y tế xã, bệnh viện ở Ba Vì cũng vậy”.

Tuy mới triển khai được hơn 2 tháng nhưng kết quả mô hình “Bệnh viện chị - em” đã đem lại thuận lợi cho bệnh nhân. Người dân ở Ba Vì không còn lo ngại phải đi xa khám bệnh tại tuyến trên hay làm thủ tục chuyển tuyến phức tạp. Hiện Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đã triển khai quy trình khám bệnh 1 chiều không giữ thẻ BHYT, chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết và đã cấp cứu thành công 1 ca nhồi máu não giờ thứ 2,5... Trung tâm Y tế huyện Ba Vì đã xây dựng được mô hình quản lý sức khỏe thật sự hiệu quả cho người dân ngay tại cộng đồng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top