WHO: Ngăn người trẻ hút thuốc lá từ sớm là “liều vaccine” bảo vệ sức khỏe suốt đời

16:08 - Thứ Sáu, 22/12/2023 Lượt xem: 5782 In bài viết

Theo Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nếu có thể ngăn chặn ai đó bắt đầu sử dụng thuốc lá khi còn trẻ thì điều đó giống như tiêm một liều vaccine để bảo vệ họ suốt cuộc đời.

Thuốc lá điện tử núp bóng đồ chơi, thực phẩm... đang là mối nguy hại lớn đối với sức khỏe giới trẻ, đặc biệt là trẻ em.

Sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng trong giới trẻ

Ngày 21/12, trao đổi với báo chí về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá và các bệnh không lây nhiễm, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, trên toàn cầu, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử đáng lo ngại đến mức tuần trước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phải kêu gọi các quốc gia có hành động khẩn cấp để ngăn chặn, bảo vệ trẻ em khỏi thuốc lá điện tử.

Thống kê từ WHO cho thấy, thị trường thuốc lá điện tử toàn cầu đang tăng trưởng nhanh chóng, với quy mô tăng mạnh từ 7,8 triệu USD năm 2015 lên 22,3 triệu USD vào năm 2022.

Trong 5 năm qua, từ năm 2018 đến năm 2022, thị trường thuốc lá điện tử dùng 1 lần đã tăng 116%, với hơn 550 nghìn sản phẩm khác nhau và chiếm 22% tổng thị trường thuốc lá điện tử toàn cầu.

WHO cho biết, thuốc lá điện tử đã được quảng bá rộng rãi đến giới trẻ thông qua mạng xã hội và những người có ảnh hưởng. Trẻ em là mục tiêu đặc biệt bị nhắm tới qua việc sử dụng các nhân vật hoạt hình và có thiết kế đẹp mắt, thu hút giới trẻ, với ít nhất 16 nghìn loại hương vị và thuốc lá điện tử giống như đồ chơi, kẹo và đồ dùng học tập.

Cảnh báo của WHO nhấn mạnh, ở các quốc gia cho phép bán thuốc lá điện tử như ở Canada, việc sử dụng thuốc lá điện tử ở độ tuổi 16-19 đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017-2022, hay như ở Anh, việc sử dụng ở giới trẻ đã tăng gấp 3 lần chỉ trong 3 năm qua.

Số liệu từ Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) cho thấy, tình trạng tương tự cũng tồn tại ở các quốc gia ASEAN cho phép bán thuốc lá điện tử như Indonesia, Malaysia và Philippines.

Theo đó, Malaysia gần đây đã hủy bỏ quy định nicotine là một chất độc và hợp pháp hóa việc bán thuốc lá điện tử. Hiện tỷ lệ sử dụng phổ biến thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi ở nước này (24% nam và 6% nữ) cao hơn tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên (10,8% nam và 1,7% nữ).

Tương tự, ở Philippines, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên là 14,1% (20,9% nam và 7,5% nữ), trong khi ở Indonesia 11,8% học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, TS Ulysses Dorotheo, Giám đốc điều hành của SEATCA cho biết.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.

Bày tỏ lo ngại trước thực trạng gia tăng tỷ lệ trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, bà Angela Pratt chỉ rõ những tác hại của thuốc lá điện tử, khi các sản phẩm này chứa nicotine - chất gây nghiện cao có thể tác động lớn đến não bộ và sự phát triển của giới trẻ.

Thuốc lá điện tử cũng chứa các chất độc hại như các chất được tìm thấy trong thuốc lá thông thường, là những chất được chứng minh có nguy cơ gây ung thư, bệnh tim, phổi về lâu dài và các vấn đề sức khỏe khác.

Bên cạnh đó, những sản phẩm này được thiết kế và tiếp thị rất đặc biệt, cố tình thu hút giới trẻ như màu sắc, hương vị hấp dẫn và vẻ ngoài bắt mắt.

“Trên toàn cầu, tình hình đáng lo ngại đến mức, TS Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO ngày 14/12 vừa qua đã phải đưa ra lời kêu gọi về hành động khẩn cấp để bảo vệ và ngăn chặn trẻ em khỏi thuốc lá điện tử”, bà Angela Pratt nói, đồng thời khẳng định thuốc lá điện tử không có tác dụng cai thuốc lá mà thay vào đó, những bằng chứng đáng báo động đang tiếp tục xuất hiện.

 

TS Ulysses Dorotheo, Giám đốc điều hành của SEATCA cho biết, những sản phẩm này cần phải cấm vì chúng có hại và kéo dài “đại dịch” thuốc lá.

“Nói chính xác hơn thì đây là sự khởi đầu gây hại cho những thanh niên chưa bao giờ hút thuốc và là sự thay thế gây hại cho những người hút thuốc đang cố gắng bỏ thuốc lá”, TS Dorotheo nhấn mạnh.

Nghiên cứu cho thấy, những người trẻ tuổi thử sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá truyền thống cao hơn 3,5 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử.

“Tại Việt Nam, đây là một nguy cơ nguy hiểm. Các báo cáo cho thấy thuốc lá điện tử đang được trà trộn với ma túy tổng hợp, gây nguy cơ nghiện, ngộ độc ma túy rất nguy hại”, TS Angela Pratt cho hay.

Từ những phân tích trên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định, tất cả đều đã ý thức được phải làm những gì có thể để bảo vệ người trẻ khỏi thuốc lá hoặc bất kỳ sản phẩm nào có chứa nicotine.

“Nếu chúng ta có thể ngăn chặn ai đó bắt đầu sử dụng thuốc lá khi còn trẻ thì điều đó giống như một liều tiêm vaccine để bảo vệ họ suốt cuộc đời”, bà Angela Pratt nhấn mạnh thông điệp.

Sử dụng thuốc lá điện tử nguy hiểm như thuốc lá thông thường

Ths, Bs Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam.

Theo WHO, mặc dù chưa có hiểu biểu đầy đủ về những ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe nhưng đã xác định được rằng thuốc lá điện tử tạo ra các chất độc hại, một số trong đó là chất gây ung thư và một số khác làm tăng nguy cơ rối loạn tim phổi.

Sử dụng thuốc lá điện tử cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và dẫn đến rối loạn học tập và tiếp thu ở giới trẻ. Phụ nữ mang thai tiếp xúc với thuốc lá điện tử có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Việc tiếp xúc với khí độc từ thuốc lá điện tử cũng gây rủi ro cho những người chung quanh.

Cung cấp thêm thông tin về sản phẩm nicotine và thuốc lá mới, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho biết, sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều nguy cơ bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường.

Về hô hấp có thể gây suy giảm chức năng phổi do tắc nghẽn. Về tim mạch gây rối loạn chức năng mạch máu, xơ cứng mạch máu, huyết khối, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và đột quỵ.

Sử dụng thuốc lá điện tử cũng có thể làm tổn thương cấu trúc DNA, gây tăng nguy cơ ung thư, tăng kháng hóa trị liệu; gây bệnh về răng miệng như bệnh viêm lợi, sâu răng, mất xương quanh răng, tổn thương niêm mạc miệng, tăng nguy cơ nhiễm trùng miệng; bệnh tiêu hóa như đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá, viêm loét đại tràng…

Bác sĩ Tuấn Lâm cũng cho biết, thuốc lá điện tử có thiết kế, thành phần đa dạng và luôn thay đổi, dẫn đến việc quản lý các sản phẩm này rất khó khả thi.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm thuốc lá nung nóng có chứa chất tạo hương vị khác nhau, các loại hương liệu cũng quá đa dạng, với gần 20 nghìn loại bao gồm tinh dầu bạc hà, trái cây, vị cà phê…

Một số nghiên cứu đã chỉ ra nhiều loại hương liệu gây tổn thương não, tim, phổi, niêm mạc đại tràng. Đến nay, vẫn chưa thể có hiểu biết đầy đủ về tác hại của các loại hương liệu. Nguy cơ lớn trộn lẫn thuốc lá nung nóng với ma túy tổng hợp cũng là thách thức rất lớn.

Theo ông Lâm, các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả lâu dài và ngay trước mắt. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong những năm qua.

"Làm thế nào để bảo đảm an toàn cho trẻ trước thuốc lá điện tử? Trẻ đến trường có thể được bạn mời sử dụng thuốc lá điện tử và chúng ta không biết liệu nó có được trộn ma túy tổng hợp không? Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, chúng ta không thể có thời gian theo con mãi được", ông Lâm nói.

Theo chuyên gia của WHO, hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam nhưng chưa có văn bản nào quy định một cách chính thức, nên việc thực thi còn yếu, các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ.

Từ đó, WHO khuyến nghị, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết quy định cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam, đồng thời quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài.

Về lâu dài, WHO cho rằng, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ Nghị quyết vào trong Luật sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top