Lặng thầm nơi thâm sơn cùng cốc (1)

09:57 - Thứ Tư, 27/12/2023 Lượt xem: 8733 In bài viết

ĐBP - Y tế cơ sở vẫn được xem là “cánh tay” nối dài của ngành Y tế. Với địa bàn tỉnh biên giới, miền núi như Điện Biên, lực lượng này càng khẳng định vai trò quan trọng của mình. Ở khắp bản làng heo hút, nơi thâm sơn cùng cốc, vượt qua những rào cản, khó khăn về địa hình, giao thông, điều kiện làm việc và cả sự hạn chế trong phong tục, tập quán vùng miền, họ vẫn mỗi ngày lặng thầm cống hiến, hy sinh. Trong hành trình bền bỉ ấy, có những câu chuyện “dở khóc dở cười” mà đầy hạnh phúc, song cũng không ít nỗi lòng, trăn trở không dễ gì nói ra. Có lẽ, cũng bởi thế mà chẳng mấy người biết đến…

Bài 1: “Bố đỡ” của trẻ vùng cao

Làm công tác hỗ trợ sinh đẻ ở vùng cao vốn không hề dễ. Đỡ đẻ là nam giới lại càng khó và hiếm hơn bởi đòi hỏi sự khéo léo của nghề lẫn đức tính kiên trì, bền bỉ để tháo gỡ “rào cản” trong văn hóa vùng miền. Chính vì thế, hành trình hơn 20 năm “bất đắc dĩ” trở thành “bố đỡ” cho những đứa trẻ vùng cao của ông Giàng A Thào đã thôi thúc chúng tôi ngược núi về cao nguyên đá xám Sính Phình, huyện Tủa Chùa…

Chuyên gia xử lý ca khó

Năm 2002, ông Giàng A Thào chính thức làm y tế thôn bản.

Đã 12 năm kể từ ngày cậu bé Giàng A Thiên, thôn 2, xã Sính Phình chào đời. Bé trai nhỏ thó, cơ thể tím ngắt với tiếng khóc yếu ớt ngày nào giờ đã trở thành chàng thiếu niên lớp 6 nhanh nhẹn, hoạt bát. Nhìn đứa con khoẻ mạnh lớn lên mỗi ngày, mẹ của Thiên - chị Giàng Thị Sái, chỉ biết mừng thầm trong lòng. Bởi, trong số 12 lần trở dạ, Thiên là đứa con khó sinh nhất, song vẫn được trời thương!

Ngược quá khứ về ngày chị Sái trở dạ cách đây hơn 12 năm. Trong ngôi nhà tuềnh toàng, cả gia đình rối ren chứng kiến cảnh một người phụ nữ quằn quại nằm ôm bụng bầu, kêu khóc liên hồi. Cơn đau kéo dài chưa từng có khiến chị kiệt sức. Mặc dù đã trải qua 10 lần vượt cạn, song chưa lần nào chị Sái gặp hoàn cảnh tương tự, nên người thân không khỏi hoang mang. Hướng ánh mắt nhìn con trong cơn đau đớn, cả 2 bà mẹ (mẹ đẻ, mẹ chồng chị Sái) dù rất lo lắng song cũng chỉ biết “bặm môi” chờ đợi. Phía bên ngoài, đám trẻ con ngó ra ngó vào, liên tục hỏi nhau xem em bé đã ra chưa?

Những con đường nội thôn in dấu chân cần mẫn của ông Giàng A Thào.

Nhận tin báo có ca khó sinh, ông Giàng A Thào - khi đó là y tế thôn liền bỏ việc trên nương, vội vã trở về nhà lấy túi đồ nghề tức tốc vượt hơn 3km đến nhà chị Sái. Ông bước chân đến cửa cũng vừa lúc sản phụ vỡ ối, hơi thở yếu dần. Không để chậm trễ, ông Thào liền kiểm tra tình trạng sản phụ, hướng dẫn và thực hiện các biện pháp đỡ đẻ. Sau 30 phút nỗ lực, bé trai chào đời an toàn trong tiếng thở phào của cả gia đình. Cậu được bố mẹ đặt tên là Thiên, với ý nghĩa “nhờ trời”!

Theo lời ông Thào kể, tại thôn vùng cao đặc biệt khó khăn này, phần lớn phụ nữ dân tộc Mông đều sinh con tại nhà. Chỉ khi đẻ khó, nguy kịch mới gọi người đến đỡ hoặc đưa đi cơ sở y tế. Chính bởi vậy, dù không phải là hộ sinh, song mỗi lần gặp ca khó bà con đều gọi đến ông, chỉ bởi ông là người duy nhất có kiến thức về y tế ở bản. Trước kia, mỗi lần “vượt cạn” thành công, bà con vẫn có suy nghĩ nhờ trời, nhưng giờ người ta gọi ông là chuyên gia xử lý ca khó. Còn với ông, điều đó không quan trọng. Ông bảo: “Chỉ cần họ nghĩ và gọi đến tôi là mừng rồi!”.

Niềm tin phá vỡ “rào cản”

Chiếc túi y tế thôn bản bạc màu đã gắn bó với ông Giàng A Thào hơn 20 năm qua.

Trong căn nhà gỗ ấm cúng, ông Thào mở cho chúng tôi xem chiếc túi y tế thôn bản đã gắn bó nhiều năm. Cùng với những dụng cụ cần thiết kiểm tra sức khoẻ được trang cấp ban đầu, còn có thêm các dụng cụ phụ giúp việc sinh nở cho thai phụ. Đồng hành cùng ông trong hành trình ấy, không thể thiếu chiếc xe máy cũ kĩ, đèn pin chiếu sáng và điện thoại di động để liên lạc. Cẩn thận sắp xếp dụng cụ y tế vào chiếc túi bạc màu, ký ức về những ngày đầu chuẩn bị nhận công tác của ông Thào cũng theo đó ùa về.

Năm 2002, từ sự tín nhiệm của bà con trong thôn, ông Thào sắp xếp sách vở cùng vài bộ quần áo lên đường học tập. Sau thời gian đào tạo sơ cấp 6 tháng, ông trở về và chính thức nhận nhiệm vụ là y tế thôn bản. Cũng từ đó, ông “bất đắc dĩ” đảm nhận thêm công việc đỡ đẻ. Ông Thào tâm sự: “Mặc dù đây là việc tay trái, nhưng lại cực kỳ quan trọng. Thời gian đầu, tôi phải nhiều lần ngược lên xã, lên huyện để hỏi cán bộ y tế. Rồi trằn trọc, suy nghĩ, ôn luyện kiến thức mất nhiều đêm, vì đây là việc liên quan đến tính mạng của những đứa trẻ, nếu mình xử lý không tốt dễ dẫn đến hậu quả khó lường”. 

Ông Giàng A Thào nắm rõ thông tin của từng hộ dân.

Thế nhưng, cái khó nhất với ông Thào là tư duy lạc hậu đã cố hữu trong nếp nghĩ của đồng bào Mông ở đây qua nhiều đời, rằng không cho người lạ vào nhà khi có phụ nữ sinh nở. Họ thường dùng lá xanh cắm trước nhà và xem đây là “tín hiệu ngầm” tuyệt đối cấm kị với người ngoài. Thế nên chuyện cho phụ nữ lạ đỡ đẻ còn khó, nói gì đến đàn ông. Cũng vì giấu kín nên biến chứng nguy hiểm trong quá trình sinh nở rất dễ xảy ra.

Với vai trò là y tế thôn, ban đầu ông Thào áp dụng biện pháp “mưa dầm thấm lâu”, thông qua các buổi tuyên truyền về chương trình y tế chung để lồng ghép vận động các gia đình cho phụ nữ mang thai khám định kỳ. Khi nhận thông tin về trường hợp sắp sinh, không kể ngày đêm, thời tiết thất thường hay cách trở về giao thông, ông đến tận nơi giảng giải, truyền thông để được kiểm tra, hỗ trợ gia đình cách chăm sóc sản phụ.

Ông Giàng A Thào tuyên truyền chính sách y tế cho người dân trong thôn.

Trong ký ức có phần phai mờ của người đàn ông đã gần tuổi 60, ông Thào vẫn nhớ như in trường hợp sản phụ Giàng Thị Vai, dù đã 19 năm trôi qua. Ông kể: “Khi tôi đến nơi, một cánh tay em bé đã thò ra ngoài. Sản phụ ra sức rặn đẻ nhiều lần nhưng em bé vẫn không thể chào đời. Ngay lúc đó, tôi áp dụng biện pháp xoay thai về đúng tư thế rồi mới hướng dẫn sản phụ sinh”.

Những ca đỡ thành công càng tạo thêm niềm tin của bà con với ông Thào. Đó cũng là lý do anh Giàng A Pênh - con của sản phụ Vai ngày ấy, giờ đây nhất mực nghe lời ông Thào. Vợ mang bầu, anh Pênh đều đặn định kỳ đưa đến cơ sở y tế thăm khám. Ngày vợ sắp trở dạ, anh đèo chị ra tận Trung tâm Y tế huyện để được theo dõi, chăm sóc quá trình sinh nở.

Trải qua 21 năm gắn bó với nhiệm vụ y tế thôn, bản, từ con đường đất lổn nhổn đá hộc ngày nào cho đến nay được trải bê tông sạch đẹp đều đã in dấu chân cần mẫn của ông Thào. Ông thuộc từng ngã rẽ, từng ngôi nhà và nắm bắt thông tin từng nhân khẩu. Hiện nay, mỗi gia đình có phụ nữ mang bầu đã không còn e dè mà chủ động liên hệ nhờ ông đến giúp. Công việc vì thế nhiều thêm, song ông Thào lại phấn khởi hơn. Bởi ông hiểu, ở nơi còn nhiều khó khăn, thiếu hụt như quê mình, việc phụ nữ mang thai tự ý thức thăm khám, theo dõi và chủ động đến cơ sở y tế để sinh; những đứa trẻ sinh ra cũng được tiêm chủng, quan tâm chăm sóc đầy đủ; những ca khó, biến chứng trong sinh nở giờ trở thành “của hiếm”… tất cả đều là thay đổi căn bản đầy tích cực, góp phần quan trọng vào hành trình nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe đồng bào trên rẻo cao heo hút gió ngàn…

Bác sĩ Điêu Chính Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa cho biết: Là y tế thôn tại xã Sính Phình, song do thiếu nguồn nhân lực nên hơn 20 năm qua ông Giàng A Thào kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của cô đỡ thôn bản. Ông đã góp nhiều công sức trong xây dựng mạng lưới y tế vùng sâu, vùng xa. Kể cả khi làm việc không có chế độ, ông Thào vẫn phát huy tinh thần trách nhiệm, hết mình với công việc và tình thương đối với đồng bào để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài 2: “Bác sĩ” bản!

Hà Linh - Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top