Bài 1: “Bố đỡ” của trẻ vùng cao
Bài 2: “Bác sĩ” bản!
ĐBP - Alo! Bác sĩ ơi con tôi bị ốm. Bác sĩ ơi, vợ tôi trở dạ. Bác sĩ ơi, mẹ tôi bị thương… Đó là nội dung của hàng nghìn cuộc gọi “khẩn cấp” mà anh Lò Văn Châu âm thầm tiếp nhận, xử lý suốt gần 20 năm qua ở bản biên giới Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ. Kỳ thực, anh không phải bác sĩ. Song đó là danh xưng mà bà con ở vùng biên viễn này vẫn tin gọi anh mỗi lần ốm đau, đổ bệnh…
A lô, bác sĩ ơi…
Rạng sáng một ngày cuối tháng 9/2007, cả bản vùng cao Phiêng Ngúa (ngày ấy thuộc xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé) còn đang chìm trong giấc ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng khóc thất thanh vọng ra từ ngôi nhà anh Quàng Văn Quang. Bất giác, anh Lò Văn Châu tỉnh giấc, lần mò chiếc điện thoại “cục gạch” để đầu giường. Đã vài tháng nay, kể từ khi hoàn thành lớp tập huấn và trở về với vai trò nhân viên y tế bản, anh Châu luôn thường trực điện thoại bên mình.
Đúng như dự đoán, điện thoại sáng đèn vì có cuộc gọi, anh Châu nghe máy. Chỉ chờ đầu dây bên kia báo tin, nắm bắt gia đình hộ dân có người bệnh, anh đeo vội chiếc túi y tế luôn sẵn dụng cụ, đồ nghề lên đường. Sau chừng 5 phút vượt đêm tối trên con đường đất xuyên bản, anh Châu có mặt tại gia đình vừa gọi. Lúc này, chị Quàng Thị Lan (vợ anh Quang) đang quằn quại với cơn đau không rõ nguyên nhân.
Thăm khám qua, thấy chừng không ổn, anh Châu giục gia đình chuẩn bị đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu. Từ đó đến Trung tâm Y tế Mường Chà (cơ sở y tế gần nhất lúc bấy giờ) là hơn 70km đường rừng. Do chị Lan đau đớn, không thể tự ngồi vững nên anh Quang phải ngồi sau đỡ vợ. “Ngày ấy, giao thông không được như bây giờ. Đa phần là đường đất, cứ đi được một đoạn lại phải dừng, tôi và chồng bệnh nhân xuống xe cùng đẩy. Cũng còn may trời thương thế nào ngày hôm ấy không gặp mưa, chứ không thì chắc không thể đi nổi”, anh Châu nhớ lại.
Vừa đi vừa đẩy khoảng chừng 4 giờ thì chiếc xe “cấp cứu” cũng ra được đến quốc lộ (ngã ba Chà Cang), khi trời hửng sáng. Nhưng đi tiếp được 1 đoạn thì bị cảnh sát giao thông giữ lại, bởi xe chở quá số người quy định. Rồi cũng vì vội, nên giấy tờ chẳng kịp mang theo. Sau một hồi trình bày, giải thích, cán bộ công an cũng hiểu hoàn cảnh cấp bách nên mới cho đi. Vừa kịp đến Trung tâm Y tế huyện Mường Chà thì chị Lan đau dữ dội, phải đưa vào mổ cấp cứu khẩn cấp. Khi nghe bác sĩ thông báo: “Ca mổ thành công rồi! May là đến kịp, chứ chỉ vài phút nữa thôi, vỡ ruột là chẳng cách nào cứu chữa được nữa”, anh Quang bật khóc và ôm chầm lấy ân nhân của mình. Kể từ đó, mỗi lần đau bệnh, bà con trong bản bảo nhau gọi “bác sĩ” Châu.
Một vai vài… gánh
Đảm nhận vai trò nhân viên y tế thôn bản từ năm 2007 nhưng nhiều năm qua, anh Lò Văn Châu vẫn được bà con ở Phiêng Ngúa xem như “bác sĩ” của bản. Hễ có việc gì liên quan đến sức khỏe, bà con đều gọi anh. Lúc thì với vai trò y tá, lúc lại làm công tác dân số, chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, trẻ em, tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh…
Anh Châu còn nhớ, thời gian đầu mới nhận nhiệm vụ được chừng 1 tháng, Phiêng Ngúa xảy ra dịch sởi, khiến cả bản hoang mang. Do giao thông ngày ấy không thuận lợi, lực lượng y tế tuyến trên không thể có mặt tức thì nên sau khi báo tin, anh được hướng dẫn triển khai các biện pháp rà soát, khoanh vùng bước 1. Đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng nhất là ổn định tâm lý bà con.
“Lần đầu bản có nhiều trẻ đồng loạt sốt cao, phát ban cùng lúc nên ai cũng lo lắng. Do cả bản có mình tôi được đi tập huấn về y tế rồi nên ai cũng tìm đến hỏi. Mà nói thật, khi ấy tôi còn rối hơn bà con. Vì tôi tập huấn theo chương trình phòng chống sốt rét thôi, chứ kiến thức y tế khác thì chưa có. Trong khi chữa bệnh thì không thể nói bừa được. Biện pháp tình thế lúc ấy là hễ trường hợp nào đến hỏi, tôi lại gọi trực tiếp cho cán bộ y tế để xin ý kiến, hướng dẫn. Thời điểm ấy, điện thoại tôi nóng máy liên tục. Để không mất liên lạc, tôi thậm chí còn phải đi vay nóng tiền của hàng xóm mua thẻ nạp”, anh Châu kể.
Sau vài ngày đầu xoay sở, anh Châu đã nhận được sự hỗ trợ về cả nhân, vật lực. Lúc này, anh cùng cán bộ y tế triển khai các biện pháp khống chế và dập dịch thành công, không để lan rộng ra địa bàn. Trải qua đợt dịch đầy căng thẳng, anh bảo bản thân không thấy vất vả mà còn được nhiều thứ. Anh được cấp trên tín nhiệm, bà con tin tưởng. Cũng nhờ những trải nghiệm thực tế đã giúp anh tích lũy kiến thức nghiệp vụ để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con tốt hơn, nhất là phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh nhiều khó khăn, thiếu hụt.
Những năm gần đây, với sự quan tâm của các cấp, giao thông đi lại và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân đã ngày một thuận tiện hơn. Nhận thức và ý thức của người dân ở Phiêng Ngúa trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình cũng có nhiều chuyển biến. Thế nhưng, đi cùng với sự phát triển lại là những thách thức mang lại từ mặt trái xã hội. Theo anh Châu chia sẻ, thì vài năm gần đây, thanh niên địa phương thoát ly ra ngoài tỉnh đi làm ăn nhiều. Do thiếu bản lĩnh, một số người đã mang theo tệ nạn về bản. Phiêng Ngúa bắt đầu ghi nhận có người nghiện ma túy, nhiều nguy cơ xuất hiện bệnh nhân HIV nếu không kiểm soát tốt nhóm đối tượng này.
Với vai trò của mình, ngay khi nắm bắt có dự án hỗ trợ phòng chống HIV sắp triển khai, anh Châu chủ động xin đảm nhận thêm vai trò là đồng đẳng viên. Hiện nay, qua công tác rà soát, vận động, anh đang duy trì quản lý, hỗ trợ hơn 10 trường hợp nghiện ma túy trong bản và một số bản lân cận. Nhiệm vụ của anh là tiếp nhận bơm kim tiêm từ dự án, phát cho người nghiện, rồi lại thu gom, tiêu hủy. Vận động người nghiện lấy máu xét nghiệm, áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
“Trăn trở nhất hiện nay của tôi là phải làm sao vận động họ đi cai, tham gia uống methadone, ổn định sức khỏe để tập trung làm ăn, có cuộc sống tốt hơn. Ngày một ngày hai thì khó, nhưng tôi sẽ kiên trì đồng hành với họ. Giúp được họ cũng là giúp bản làng của mình! Tôi không lo mất công, mất việc. Chỉ cần bà con khỏe, bản làng tôi cũng sẽ vững mạnh!”, anh Châu bộc bạch.