Nguy hiểm khi đồng nhiễm cúm A và COVID-19

15:52 - Thứ Ba, 09/01/2024 Lượt xem: 3946 In bài viết

Dịch cúm A, B đang tăng mạnh ở Hà Nội kể từ tháng 12/2023 tới nay, bên cạnh đó, thời tiết mùa Đông – Xuân cũng làm gia tăng ca mắc COVID-19. Đã ghi nhận ca bệnh đồng mắc cúm A và COVID-19, diễn biến nặng rất nhanh, phải thở máy.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tại đây tiếp nhận nam bệnh nhân 66 tuổi vào nhập viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng. Trước đó, bệnh nhân bị sốt, ho, sau 3 ngày bệnh không đỡ đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp. Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được xét nghiệm cho kết quả mắc cả cúm A và COVID-19. Do có bệnh nền tiểu đường nên bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh khi cùng lúc mắc cả hai bệnh truyền nhiễm.

Bệnh nhân phải thở máy khi đồng nhiễm cúm A và COVID-19.

BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian gần đây, do thời tiết thay đổi thất thường nên số ca COVID-19 và cúm A gia tăng. Bác sĩ lo ngại nếu người dân đồng nhiễm 2 loại virus cúm A và COVID-19 sẽ làm cho bệnh chuyển xấu rất nhanh, đặc biệt là trẻ em và người có bệnh nền. Bởi đây là bệnh do virus gây ra và chủ yếu tấn công vào đường hô hấp, gây tổn thương tiến triển nhanh hơn, điều trị cũng khó khăn hơn.

 Tại Khoa Hồi sức tích cực đang có 15 ca mắc cúm A nặng, trong đó 8 ca có bệnh lý nền, có trường hợp phổi trắng xoá cả hai bên. Đó là nữ bệnh nhân 59 tuổi ở Thái Nguyên có tiền sử đái tháo đường, béo phì, tăng huyết áp. Khi mắc cúm A, bệnh diễn biến nặng rất nhanh, gây tổn thương phổi nghiêm trọng.

PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bản thân cơ thể con người, khi gánh một tác nhân (ví dụ virus), cò thể tiêu hao hết cả “đội quân” miễn dịch chống lại bệnh đó. Do vậy, đến lúc nhiễm thêm tác nhân tiếp theo, cơ thể không còn miễn dịch để chống chọi nữa, tình trạng bệnh nặng lên. Điều này không chỉ đúng khi đồng nhiễm COVID-19 với cúm, mà còn với bệnh khác nữa như như sốt xuất huyết hay Andenovirus. Do vậy, phải bằng mọi cách giảm nhiều nhất nguy cơ có thể. Chẳng hạn như cúm mùa, phế cầu đã có vaccine, người dân nên tiêm phòng để tạo kháng thể.

Vị chuyên gia y tế này cũng nhận định, hiện nay đang trong giai đoạn vào mùa Đông - Xuân, thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, rubella, ho gà...

Hơn nữa, đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, vui xuân Tết Nguyên đán cùng các lễ hội, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, có thể làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh như trẻ em có sức đề kháng yếu, người cao tuổi có bệnh lý nền. Để phòng bệnh, ngoài vaccine, người dân cần đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, khi có dấu hiệu bệnh hô hấp hoặc giữ vệ sinh cá nhân cũng sẽ giúp phòng bệnh.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top