Xử lý triệt để vướng mắc trong mua sắm thiết bị y tế

16:05 - Thứ Ba, 09/01/2024 Lượt xem: 4006 In bài viết

Sáng 9-1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối điểm cầu Hà Nội với các điểm cầu tỉnh, thành phố.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Công tác đấu thầu ở nhiều nơi chưa thống nhất

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Y tế cho biết, năm 2023 ngành Y tế thực hiện vượt 3/3 chỉ tiêu Quốc hội giao; đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao. Hai chỉ tiêu không đạt gồm: Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh (chỉ tiêu giao 111,2 bé trai/100 bé gái, thực đạt 112/100) và tuổi thọ trung bình (chỉ tiêu giao 73,8 tuổi, thực đạt 73,7).

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành Y tế trong thời gian qua. Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật đã được tích cực xây dựng, từng bước hoàn thiện nhưng còn chưa đầy đủ. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vẫn còn diễn ra cục bộ tại một số địa phương, cơ sở y tế. Việc bảo đảm các mục tiêu về tỷ lệ tiêm chủng mở rộng gặp nhiều thách thức. Nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Quang cảnh hội nghị.

Bên cạnh đó, chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu; một số dự án còn kéo dài….

Về nguyên nhân, theo đánh giá của Bộ Y tế, việc thể chế hóa, hướng dẫn các quan điểm, chủ trương được ban hành trong một số luật, nghị định, nghị quyết… của Đảng, Nhà nước còn chậm. Trách nhiệm của một bộ phận công chức chưa cao, tư tưởng e dè, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm còn diễn ra phổ biến. Việc thực thi nhiệm vụ có nơi còn thiếu chủ động, chưa đổi mới, năng lực còn hạn chế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm. Một số địa phương, cơ sở y tế còn e ngại hoặc không có kinh nghiệm trong mua sắm, đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết thêm, với ngành Y tế, mỗi luật có hàng chục thông tư và mỗi thông tư lại có điểm vênh với các thông tư khác trong cùng hệ thống hoặc chưa kịp thời, phù hợp với thực tế. Riêng về công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, dù thời gian qua đã giải quyết nhiều khó khăn, nhưng việc thực hiện ở các địa phương chưa thống nhất. Nhiều nơi giao cho một cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh để thực hiện đấu thầu cho toàn tỉnh, như vậy tạo áp lực rất lớn cho cán bộ y tế.

“Nhiều bệnh viện công khi được giao nhiệm vụ đấu thầu tập trung thuốc, vật tư y tế cho toàn tỉnh đã phải hy sinh nhiệm vụ chuyên môn để tập trung cho việc đấu thầu do thủ tục nhiều và phức tạp”, ông Nguyễn Hoàng Mai nói.

Còn theo đại diện Bệnh viện trung ương Huế, trong năm 2023, bệnh viện đã chủ động trong công tác dự trù, lập kế hoạch, đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế. Bệnh viện đã thực hiện 56 gói thầu với tổng giá các gói thầu (giá kế hoạch) là 2.778 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 2.441 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn có một số danh mục thiếu cục bộ do nhà cung ứng không nhập được hàng hóa, tờ khai hải quan hết hạn, đứt nguồn cung do diễn biến các cuộc xung đột trên thế giới, việc cấp lại giấy phép lưu hành… Bệnh viện đã điều chỉnh thuốc và phác đồ điều trị hoặc lựa chọn thuốc, vật tư tương tự để điều trị cho bệnh nhân.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Y tế đạt được thời gian qua, đồng thời cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại…

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 3 tập thể thuộc Bộ Y tế.

Về phương hướng năm 2024, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến 10 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với ngành Y tế. Cụ thể là tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Hoàn thiện trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế. Đổi mới cơ chế tài chính y tế; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, ngành Y tế cần tiếp tục tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời vắc xin, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%. Đồng thời, tập trung kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh. Bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu, trong năm 2024, Bộ Y tế phải xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại, hoàn thiện việc mua sắm thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa vào sử dụng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam.

Đồng thời, Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương. Chú trọng thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi, gắn bó lâu dài. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 3 tập thể thuộc Bộ Y tế, gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương Hà Nội.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top