Hành trình chiến thắng ung thư, mở ra nhiều hy vọng cho người bệnh

07:39 - Chủ Nhật, 04/02/2024 Lượt xem: 6790 In bài viết

Cái Tết đang đến rất gần, song với nhiều bệnh nhân đang điều trị ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, dường như lo toan còn bộn bề, bởi nhiều người trong số họ vừa phát hiện mình mắc bệnh ung thư máu. Họ gặp nhau trong chương trình “Câu chuyện mùa xuân” để nghe và chứng kiến những người vượt qua “cửa tử”, qua đó, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để điều trị, kéo dài sự sống.

17 năm sống chung với bệnh ung thư hạch

Năng động, tự tin và đầy khát vọng, không ai nghĩ anh Đào Xuân Quý, một giám đốc trẻ thuộc thế hệ 9X lại mang trong mình bệnh ung thư hạch đã 17 năm nay. Trong thời gian đó, anh vượt qua hơn 30 đợt điều trị hoá chất, 4 lần tái phát và cả những lần nguy kịch. Phát hiện ung thư hạch từ khi 15 tuổi, mọi ước mơ của anh Quý đều sụp đổ, tinh thần hoang mang. Sau cú sốc, được sự động viên của gia đình và bác sĩ, anh đã lấy lại tinh thần và bước vào những đợt điều trị đầy khó khăn.

TS.BS Vũ Đức Bình bên những “chiến binh nhí” kiên cường trên hành trình điều trị ung thư.

Trong 2 năm 2007-2009, anh Quý bước vào thời kỳ điều trị kéo dài khi thời gian đầu không đáp ứng với phác đồ điều trị và không lui bệnh sau 6 lần truyền hoá chất. Có lần, anh tưởng chừng như không qua khỏi vì bị vỡ động mạch chủ và mất quá nhiều máu. Các y bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương gần như “lao vào cấp cứu” để giành lại cậu học trò từ tay tử thần. Biện pháp cứu tính mạng anh lúc đó chỉ có ghép tế bào gốc tự thân.

Năm 2009, anh Quý được ghép tế bào gốc tự thân, mở ra rất nhiều hy vọng sống, bệnh tình tiến triển rất tốt trong thời gian ngắn sau ghép. “Sức khoẻ hồi phục, trở lại với cuộc sống cũng là lúc tôi có niềm tin rằng, bệnh ung thư không quá đáng sợ đến như thế”, anh Quý chia sẻ.

Xuất viện, cùng một năm, anh Quý học song song cả lớp 10 và 11, sau đó thi đỗ Học viện Hành chính Quốc gia. Tốt nghiệp, anh theo đuổi ước mơ và khẳng định bản thân ở lĩnh vực marketing. Dù công việc đang ổn định nhưng khát vọng của chàng trai trẻ chưa bao giờ dừng lại. Đến năm 2020, anh Quý quyết định xin nghỉ việc và cùng bạn bè thành lập công ty riêng về công nghệ. Lúc mới khởi nghiệp, công ty của anh gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát, nhưng đây cũng là cơ hội để anh và các bạn phát triển kinh doanh. Hiện tại, công ty của anh ngày càng mở rộng hơn với 200 nhân sự, 2 văn phòng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về nghị lực sống, anh Quý cho biết, có những lúc rất khó khăn cả về sức khoẻ và công việc, nhưng anh chưa bao giờ đầu hàng số phận. Ở lần tái phát thứ tư tưởng chừng không còn hy vọng, thì điều kỳ diệu đã đến, có thuốc nhắm đích điều trị cho những người bệnh U lympho tái phát như anh. Hiện giờ, sức khỏe của anh ổn định, có một gia đình hạnh phúc và sự nghiệp phát triển.

“Tôi luôn coi mình là người khoẻ mạnh bình thường và phấn đấu để trở thành con người tốt hơn. Chúng ta hãy luôn tin tưởng vào sự phát triển của y học, càng ngày càng có nhiều phương pháp điều trị mới đem đến cơ hội cho người bệnh”, anh Quý tâm sự và mong muốn tiếp thêm nghị lực cho các bệnh nhân ung thư tin tưởng vào điều trị của bác sĩ, không được lùi bước.

Ung thư không phải là kết thúc

Những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt của bệnh nhân ung thư tại chương trình khi họ được nghe nhiều tấm gương vượt qua cửa tử đầy nghị lực.  Trong 5 năm, chị Nguyễn Thu Phương phải đối diện với 2 cú sốc liên tiếp là ung thư máu và ung thư cổ tử cung. Nhưng chính sự lạc quan đã giúp chị bình tĩnh tiếp nhận trị liệu và chiến thắng bệnh tật. “Giờ đây, tôi đã trở lại chăm sóc gia đình, được làm việc mình thích, được thực hiện những điều còn dang dở”, chị Phương nói. Đi qua hai “cuộc chiến”, chị Phương vẫn say mê với hoạt động thiện nguyện, đem đến niềm vui cho người bệnh bởi với chị “thứ bạn trao đi chính là thứ bạn nhận được” chị Phương tâm sự.

Hay câu chuyện của chàng trai phát hiện ung thư hạch khi mới 21 tuổi Nguyễn Văn Đoàn (Bắc Giang) cũng khiến nhiều người cảm động. Ngày mới nhận kết quả chẩn đoán bị ung thư hạch, chàng sinh viên không dám nói với bố mẹ, cũng không dám chia sẻ với bạn bè và cứ thế một mình âm thầm chịu đựng. Nhưng đến khi bước vào quá trình điều trị, Đoàn đã không thể giấu người thân hơn được nữa.

“Khoảnh khắc khi mẹ ký vào cam kết để hóa trị gấp, vì bệnh của mình đang tiến triển rất nhanh, em không thể nào quên được ánh mắt đau khổ ẩn giấu đó. Và sau gần 7 tháng chiến đấu, cũng đến một ngày bác sĩ thông báo em đã lui bệnh. Em cảm thấy như được sinh ra thêm một lần nữa. Ngày đó có lẽ là ngày vui nhất trong cuộc đời”, Đoàn chia sẻ.

“Câu chuyện mùa xuân” lần thứ 4 là chương trình được tổ chức thường niên vào dịp giáp Tết, nhằm hỗ trợ tinh thần, kết nối hoạt động thiện nguyện cho người bệnh và truyền thông giáo dục sức khoẻ. Chương trình năm nay mang thông điệp “Thêm một lần nữa, hãy sẵn sàng yêu thương cuộc đời này”. Không chỉ cung cấp kiến thức hữu ích, chương trình còn khơi dậy nguồn cảm hứng từ chính những người đã từng trải qua căn bệnh ung thư máu. Họ “chiến đấu” và chiến thắng ung thư, cùng xuất hiện trong chương trình, đã mang đến tinh thần lạc quan và những câu chuyện tích cực sau nhiều năm cố gắng.

TS.BS Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, ung thư là căn bệnh nan y cần chữa trị trong thời gian dài. Thế giới và Việt Nam đã áp dụng những phác đồ điều trị, những loại thuốc chữa trị ung thư hiệu quả. Người bệnh có thể lui bệnh, duy trì sức khoẻ ổn định, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào việc họ học các kỹ năng quản lý và hiểu không chỉ căn bệnh, mà cả cơ thể và tâm lý của bản thân mình.

Thông qua “Câu chuyện mùa xuân”, Viện muốn gửi đi thông điệp tích cực: “Ung thư không phải là kết thúc, đó chỉ là khởi đầu của một hành trình sống mới với những trải nghiệm mới. Dù có niềm đau, nỗi buồn, có sự mệt mỏi nhưng vẫn còn đó niềm tin và những ân tình gửi trao tới mỗi người bệnh. Thêm một lần nữa, hãy sẵn sàng yêu thương cuộc đời này”.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top