Những định hướng ưu tiên mới của y tế cơ sở

15:17 - Thứ Năm, 15/02/2024 Lượt xem: 5550 In bài viết

Y tế cơ sở được ví như “người gác cổng của hệ thống y tế”. Theo Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới thì không chỉ cần quan tâm tới các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở, mà cần chú trọng tới sự tương tác giữa y tế cơ sở với cộng đồng dân cư cũng như sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với các cơ sở y tế tuyến trên.

Cán bộ Trạm Y tế xã Đồng Sơn, Hoành Bồ (Quảng Ninh) cho trẻ uống vắc-xin phòng bệnh.

PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, so với các quy định trước đây, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới đã xác định nhiều điểm mới.

Theo đó, xác định rõ những ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế cơ sở, như việc nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chính quyền, cơ quan chuyên môn đối với công tác y tế cơ sở.

Đáng chú ý, người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ngành y tế phải nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động của y tế cơ sở thuộc phạm vi phụ trách. Điểm mới này xuất phát từ xu hướng quốc tế cũng như kinh nghiệm thực tế tại nước ta (về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nói chung, nhất là công tác y tế cơ sở).

Phạm vi của y tế cơ sở được mở rộng hơn, các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ y tế cơ sở bao gồm: Y tế thôn, bản; trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế cấp huyện; y tế trường học, y tế cơ quan, nông trường, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.

Đáng chú ý, y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân được khuyến khích tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân. Điểm mới này giúp tạo không gian để giải phóng các tiềm năng của xã hội hướng tới phục vụ mục tiêu duy trì, nâng cao sức khỏe cũng như chăm sóc sức khỏe ở cấp độ cơ bản.

Về mô hình tổ chức, quản lý cũng được thống nhất thí dụ như đối với trung tâm y tế cấp huyện theo hướng chịu sự quản lý toàn diện của ủy ban nhân dân cấp huyện, đồng thời, khuyến khích sự linh hoạt của mạng lưới y tế cơ sở để đáp ứng tối ưu nhu cầu thực tế, nếu các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao sẽ sắp xếp trạm y tế theo quy mô dân số, không nhất thiết theo địa giới hành chính; các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất có thể căn cứ theo quy mô lao động, điều kiện thực tiễn và nhu cầu để thành lập cơ sở y tế phù hợp.

Chỉ thị mới nhấn mạnh yêu cầu cần tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở và việc đầu tư phải gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính. Điểm mới này được xem là định hướng quan trọng để giải quyết đồng thời hai thách thức liên quan tài chính y tế cho y tế cơ sở, đó là bảo đảm nền tảng tài chính bền vững cho hoạt động y tế cơ sở và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khỏe ban đầu; và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, xác định những nhóm giải pháp cốt lõi để thực hiện nhiệm vụ này như: Đào tạo; tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ; chính sách thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở…).

Phương thức hoạt động của y tế cơ sở được đổi mới theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc để phát hiện sớm bệnh tật; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh đó, một số nội dung ưu tiên cũng được xác định rõ như phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thiết lập hệ thống chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Điểm mới này phản ánh ưu tiên chuyển đổi phương thức chăm sóc sức khỏe, chuyển đổi mô hình cung ứng dịch vụ y tế cơ bản cũng như sự tương tác giữa mạng lưới y tế cơ sở với cộng đồng dân cư và các thành tố khác của hệ thống y tế.

Dựa trên những nội dung mới trong Chỉ thị 25, các bộ, ngành liên quan cũng như chính quyền các cấp cần xác định những định hướng ưu tiên mới. Theo đó, đối với công tác chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở cần được coi là ưu tiên hàng đầu.

Đây vừa là ưu tiên dài hạn, vừa là ưu tiên bức thiết cần giải quyết ngay. Về phương thức chăm sóc sức khỏe, cần chuyển từ trọng tâm giải quyết bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe toàn diện, lồng ghép và liên tục suốt đời, chú trọng giải quyết các vấn đề nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe (kinh tế, xã hội, môi trường).

Việc đầu tư cho y tế cơ sở cần chuyển từ quan niệm trước đây là coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu không đòi hỏi nhiều kinh phí sang quan điểm coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đòi hỏi kinh phí đầu tư tương xứng nhưng là phương thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất tới sức khỏe người dân.

Cách tiếp cận phải mang tính hệ thống, không chỉ chú trọng các yếu tố nội tại của y tế cơ sở mà cần chú ý sự cân bằng tổng thể của hệ thống y tế cũng như sự tương tác của hệ thống y tế với những ngành, lĩnh vực khác cũng như với cộng đồng.

Bằng những điểm mới của Chỉ thị đến những định hướng ưu tiên sẽ tạo ra tầm nhìn chiến lược cũng như tạo ra xung lực mới cho củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, qua đó giúp mạng lưới y tế cơ sở tối ưu hóa cấu trúc và hoạt động chức năng, trong đó có chức năng rất quan trọng là người gác cổng của hệ thống y tế.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top