Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tại các lễ hội

09:20 - Thứ Ba, 20/02/2024 Lượt xem: 6062 In bài viết

Hiện nay, trên cả nước đang diễn ra các lễ hội mùa xuân. Các lễ hội mùa xuân luôn thu hút đông đảo người dân sở tại, du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, tham quan, với hàng nghìn, cho đến hàng triệu lượt. Ði kèm lễ hội xuân, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng đột biến, nhất là nước giải khát, nước đá, loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm ăn ngay trong khu vực lễ hội.

Một sạp hoa quả tươi tại chợ Viềng, Nam Định. Ảnh: NHẬT QUANG

Do tính chất thời vụ nên nhiều loại thực phẩm phục vụ du khách được sản xuất, chế biến từ các cơ sở, cá nhân, các hộ gia đình không đăng ký kinh doanh và việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm không được thực hiện tốt. Trong khi đó, các lễ hội thường tổ chức ngoài trời, các dịch vụ ăn uống chủ yếu mang tính chất tạm bợ, chật chội, thiếu nước sạch, thiếu chỗ thu gom rác thải, thiếu điều kiện bảo quản thực phẩm, chế biến thực phẩm không an toàn; thậm chí nhiều mặt hàng thực phẩm được bày bán trên mặt đất dọc lối đi trong khu vực lễ hội.

Thời điểm mùa xuân, trời mưa phùn, ẩm ướt khiến thực phẩm dễ bị nhiễm nấm mốc; thức ăn, đồ uống dễ bị hư hỏng, nhiễm mầm bệnh, đặc biệt là nhiều loại vi khuẩn có thể tồn tại lâu dài trong thực phẩm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng dịp này.

Trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm ở lễ hội, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn tập trung hướng dẫn, tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phục vụ lễ hội. Ðịa phương cần tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du khách tại lễ hội.

Nội dung thanh tra, kiểm tra, tập trung vào chất lượng, an toàn sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm. Quá trình thanh tra, kiểm tra, cần phát hiện sớm, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời, các địa phương, đơn vị công khai những hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng.

Cùng với sự chủ động, tích cực của chính quyền, của các cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần đề cao đạo đức kinh doanh, có trách nhiệm trong lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm cần tránh tâm lý làm ăn mùa vụ, coi trọng lợi ích kinh tế hơn sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ nghiêm quy định của các cơ quan chuyên môn đề ra.

 

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top