Hết lòng vì sức khỏe nhân dân

08:18 - Thứ Hai, 26/02/2024 Lượt xem: 6085 In bài viết

ĐBP - Với tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên không ngừng thực hiện y đức, luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp trong việc hết lòng, hết sức tận tụy phục vụ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thục, Trưởng khoa Truyền nhiễm thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại khoa.

Trong suốt 26 năm gắn bó với nghề y, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thục (sinh năm 1976), Trưởng khoa Truyền nhiễm luôn hết lòng vì công việc, cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Lai Châu, bác sĩ Thục nhận công tác tại Trạm Y tế xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên). Những năm đó, mọi thứ còn khó khăn vất vả, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại trạm còn nhiều thiếu thốn, nhưng với lòng yêu nghề, chị luôn tận tâm với công việc, cùng đồng nghiệp khắc phục khó khăn, hết lòng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2001, chị theo học tại Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên và sau khi tốt nghiệp tiếp tục học bác sĩ CKI tại Đại học Y Thái Bình. Từ năm 2011, chị công tác tại Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên đến nay.

Trong quá trình công tác, bác sĩ luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của người thầy thuốc, chấp hành tốt nội quy cơ quan và quy định của ngành, không ngừng học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, rèn luyện y đức, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh.

Làm việc tại nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Thục luôn cố gắng làm hết sức mình với tất cả cái tâm của người làm nghề y. Có những bệnh truyền nhiễm, mặc dù không gây dịch lớn nhưng diễn biến cấp tính, tiến triển nặng, nguy kịch rất nhanh nên bác sĩ luôn bám sát bệnh nhân hàng giờ, theo dõi kĩ tình trạng bệnh để tránh bệnh nhân chuyển trạng thái nguy hiểm. Bên cạnh đó, bác sĩ Thục còn ân cần, tận tình tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tránh lây lan ra cộng đồng với các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại khoa.

Bên cạnh việc khám, điều trị bệnh, bác sĩ Lò Thị Tranh còn hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhi.

Bác sĩ Thục tâm sự: “Với các y, bác sĩ làm trong lĩnh vực truyền nhiễm luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn hẳn, vì “kẻ thù” chính là các mầm bệnh lây lan rất nhanh và có thể gây chết người. Vì vậy, nếu không làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo hộ thì nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm bệnh đầu tiên. Nhưng dù công việc ở khoa có vất vả đến đâu, chỉ cần thấy bệnh nhân điều trị bệnh tiến triển tốt, sớm về với gia đình là mọi áp lực, khó khăn của chúng tôi đều vơi đi”.

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, bác sĩ Thục còn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của đơn vị, đặc biệt là công tác thiện nguyện. Bác sĩ đã kết nối với các nhà hảo tâm phát cơm, cháo miễn phí cho các bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại Trung tâm; hỗ trợ khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân ở xã Na Tông, Na ư, Hẹ Muông, Pa Thơm (huyện Điện Biên); tặng quà cho bệnh nhi nhân dịp 1/6, tết trung thu.

Còn bác sĩ Lò Thị Tranh, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức - Nhi - Gây mê phẫu thuật đã có 11 năm gắn bó với nghề. Ấp ủ ước mơ vào ngành y từ khi còn nhỏ để giúp đỡ được nhiều bệnh nhân, khi trưởng thành, ước mơ ấy của bác sĩ Tranh càng lớn dần và được thực hiện sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, chuyên ngành bác sĩ đa khoa, bác sĩ Tranh được phân công tác về Trung tâm Y tế huyện Điện Biên.

Bác sĩ Tranh tâm sự: “Nghề y vất vả, mà bác sĩ khoa nhi còn nhiều áp lực hơn khi khám chữa cho những bệnh nhân nhỏ tuổi. Các bé chưa biết nói, chưa biết diễn tả mình đau ở chỗ nào, chỉ biết khóc nên đôi lúc để khai thác thông tin về bệnh rất khó. Rồi bất đồng ngôn ngữ vì nhiều phụ huynh là người dân tộc thiểu số không nói được tiếng phổ thông, những lúc đó, chúng tôi phải đi nhờ phiên dịch. Còn có nhiều trường hợp, khi bệnh nhi đến khám đã ở trong tình trạng nặng, do phong tục của họ, ốm thì mời thầy về cúng, làm “lý”, không khỏi mới đưa đến viện khám. Những lúc đó, chúng tôi vừa khám cho bệnh nhân, vừa tuyên truyền tới phụ huynh nếu có dấu hiệu mắc bệnh phải đi khám ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng”.

Người dân đến khám tại Trung tâm Y tế huyện được hướng dẫn, hỗ trợ lấy số thứ tự khám bệnh.

Không chỉ hết lòng người bệnh, bác sĩ Tranh còn là người hòa đồng với đồng nghiệp. Với cương vị phó khoa, chị luôn nêu gương cho đội ngũ y, bác sĩ trẻ trong việc rèn luyện y đức, thường xuyên nhắc nhở họ giữ gìn thái độ ứng xử, giao tiếp, tránh gây phiền hà đối với người bệnh. Khi trở về nhà, chị còn trở thành bác sĩ của bản nơi mình sinh sống, nhà nào có trẻ nhỏ ốm đều đến nhà chị thăm khám đầu tiên.

Bác sĩ Nguyễn Thế Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên cho biết: Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên có 327 cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế. Để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng với người bệnh, trung tâm thường xuyên tuyên truyền, triển khai chỉ thị, Thông tư 07, Quyết định 2151 về đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bệnh cạnh đó, đơn vị thường xuyên cử cán bộ chuyên môn đi học tập trong và ngoài tỉnh, từ trung cấp lên đại học, từ đại học lên chuyên khoa, chuyên ngành, để nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, trách nhiệm, nhiệt huyết và tình yêu nghề, các cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên sẽ tiếp tục trau dồi y đức, nâng cao trình độ chuyên môn, cống hiến tâm sức và trí tuệ để phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top