“Lá chắn” bảo vệ sức khỏe nhân dân

09:19 - Thứ Ba, 27/02/2024 Lượt xem: 6194 In bài viết

ĐBP - Không kể khó khăn, thậm chí cả hiểm nguy thường trực, cán bộ, y, bác sĩ ngành Y tế tỉnh nhà vẫn luôn là những chiến sĩ tiên phong ở tuyến đầu, làm “tấm lá chắn” vững chãi, an toàn bảo vệ sức khỏe cho người dân. Hàng ngày, hàng giờ, tình yêu nghề đã giúp họ vững niềm tin để ngày đêm âm thầm thực hiện sứ mệnh cao cả theo lý tưởng mà mình đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến, hi sinh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vừ A Bằng tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cán bộ ngành Y tế có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023.

Khi “cơn bão” Covid-19 đi qua, những nhọc nhằn, vất vả trong thời kỳ “chống dịch như chống giặc” không còn thường trực với ngành Y tế tỉnh. Thế nhưng, các y, bác sĩ vẫn hàng ngày, hàng giờ miệt mài với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thầy thuốc ưu tú Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: “Hiện nay, tổ chức bộ máy ngành Y tế tiếp tục được củng cố và kiện toàn ở tất cả các tuyến, cơ bản bảo đảm về các chức danh chuyên môn theo vị trí việc làm, thành phần và cơ cấu cán bộ, đạt tỷ lệ 12,53 bác sĩ/vạn dân và 2,19 dược sĩ đại học/vạn dân; 100% trạm y tế tuyến xã có bác sĩ làm việc; 96,12% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 81,1% thôn, bản có nhân viên y tế thôn, bản. Năng lực hệ thống y tế, y tế cơ sở tiếp tục được nâng cao.

Cùng với đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư từ các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã. Qua đó, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, từng bước thực hiện tốt việc đưa các dịch vụ y tế có chất lượng về gần với người dân. Không chỉ vậy, ngành còn đảm bảo đáp ứng đầy đủ và kịp thời thuốc, vật tư, hóa chất sinh phẩm cho các hoạt động khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. Mạng lưới cung ứng thuốc được củng cố đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc an toàn và hợp lý cho người dân…”.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu cho đối tượng nguy cơ cao tại bản Huổi Ít, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà.

Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh có nhiều dấu hiệu nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Cụ thể như 48 ca sốt xuất huyết rải rác tại TP. Điện Biên Phủ và một số huyện, thị; 13 ca nhiệt thán (bệnh than) tại huyện Tủa Chùa; 4 ca sởi tại huyện Nậm Pồ… Ngoài ra một số bệnh xuất hiện mà không xác định được nguồn lây, như: Bệnh bạch hầu xuất hiện thành 3 ổ dịch tại 3 địa bàn cách nhau gần 200km (xã Pu Nhi, Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông và xã Huổi Mí, huyện Mường Chà) với 6 ca mắc, 1 ca tử vong. Bác sĩ Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch sát với bối cảnh của từng khu vực, huyện thị. Cụ thể, ngành thành lập các tổ thường trực, phản ứng nhanh sẵn sàng đáp ứng ngay khi có dấu hiệu nguy cơ. Thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện luôn luôn đảm bảo theo cơ số tương ứng quy mô dịch có thể xảy ra. Đặc biệt là công tác giám sát định kỳ và đột xuất tại cộng đồng. Ngành cũng phát huy vai trò thông tin của nhân viên y tế bản, trưởng bản thông qua các buổi giao ban, các hình thức báo cáo. Do đó, đã ngăn chặn thành công nhiều bệnh truyền nhiễm không phát thành dịch mặc dù dấu hiệu chỉ điểm rất nguy cơ…”.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng sinh học cho bệnh nhân.

Song song với công tác phòng chống dịch, hệ thống khám chữa bệnh (KCB) của ngành Y tế hiện được bố trí theo 3 tuyến (tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã) tạo điều kiện thuận tiện cho người dân tiếp cận dịch vụ KCB trên địa bàn. Mạng lưới KCB đã phát triển đồng bộ cả y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, cơ bản đáp ứng nhu cầu KCB cho người dân.

Trong năm 2023, ngành Y tế đáp ứng tốt công tác thường trực cấp cứu và công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh; chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã khám cho 912.400 lượt người, tăng 149.850 lượt người (19,6%) so với năm 2022, trong đó nội trú 119.888 lượt người; ngày điều trị trung bình 6,43 ngày. Đặc biệt, các bệnh viện áp dụng hiệu quả việc kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị, chăm sóc cho 247.279 lượt bệnh nhân, đạt 27,1%. Cùng với đó, ngành tiếp tục duy trì triển khai được nhiều kỹ thuật cao mới như: Lọc máu bằng kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp từ dịch lọc; bơm ethanol trực tiếp dưới hướng dẫn siêu âm; tiêm xơ khối u dưới hướng dẫn của siêu âm; phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Mặt khác, cũng đã chuyển giao và triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật tại các huyện như: Truyền máu cấp cứu, phẫu thuật KHX gẫy, phẫu thuật cắt amidal gây mê... Theo đó, đã tạo điều kiện cho người dân được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật có chất lượng tại tỉnh, tuyến cơ sở, góp phần giảm quá tải cho tuyến trên và chi phí cho người bệnh.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé thăm khám cho bệnh nhân nhi.

Để nâng cao chất lượng KCB, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, ngành Y tế tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng chỉ đạo tuyến, tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc cử cán bộ đi đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng kiến thức mới để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Năm 2023, đã cử 9.887 lượt cán bộ tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng. Công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới luôn được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Năm 2023, các trung tâm y tế huyện đã tăng cường trên 600 lượt bác sĩ hỗ trợ chuyên môn cho các trạm y tế, bệnh viện đa khoa tỉnh chuyển giao kỹ thuật về các chuyên ngành: Cấp cứu, hồi sức tích cực, chẩn đoán hình ảnh, nhi, sản, huyết học truyền máu, kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc sơ sinh, kỹ thuật xét nghiệm trước truyền máu, kỹ thuật truyền máu lâm sàng... cho 44 bác sĩ và điều dưỡng của các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Bệnh viện tuyến Trung ương, như: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương... đã tiếp tục hỗ trợ trong công tác đào tạo, chuyển giao nhiều kỹ thuật cao chuyên khoa sâu, giúp các bệnh viện trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng điều trị…

Cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế tham gia hiến máu để đảm bảo lượng máu dự trữ phục vụ cấp cứu, điều trị dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Dù tỉnh còn khó khăn nhưng những “chiến sĩ áo trắng” vẫn tận tâm hết mình, không quản ngày đêm, vất vả, gian nan để hoàn thành sứ mệnh Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tin tưởng rằng, với nhiệt huyết, lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm, những người làm nghề y tỉnh nhà sẽ tiếp tục là “tấm lá chắn” vững chắc bảo vệ an toàn cho sức khỏe của nhân dân. 

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top